Chọn sữa nuôi trẻ cho đúng
17:5', 20/8/ 2003 (GMT+7)

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ lành, sạch và được hấp thụ gần như hoàn toàn, có kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là tốt nhất khi là sữa của người mẹ có sức khỏe bình thường và được sử dụng đúng theo sinh lý tháng tuổi, theo thể trạng, cách nuôi hợp lý. Từ lúc sơ sinh đến ba tháng tuổi, nhờ có sẵn kháng thể chung của mẹ từ thời kỳ ở trong bụng mẹ, trẻ sẽ được miễn dịch tuyệt đối với phần lớn bệnh truyền nhiễm trẻ em thường mắc như bạch hầu, sởi, ho gà... và tương đối với một số bệnh thông thường ở hệ tiêu hóa và hô hấp. Độ tuổi, từ tháng thứ tư đến hết tháng thứ sáu, gọi là thời kỳ miễn dịch tương đối. Chính vì vậy, lịch tiêm chủng ở phần lớn các nước quy định chỉ với bệnh lao phổi vào ngay trong tuần tuổi đầu tiên, còn các bệnh khác từ tháng thứ tư, khi bước vào thời kỳ miễn dịch tương đối. Tương tự, trẻ cần được cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ cho đến ít nhất hết ba tháng, vì hệ tiêu hóa của bé chưa quen với thức ăn từ bên ngoài, chứ không hẳn vì ý nghĩa miễn dịch. Sau đó, nếu cân nặng phát triển bình thường, trẻ cần được làm quen dần, từ lượng ít đến nhiều, với thức ăn bổ sung mà dân gian thường gọi là ăn sam, ăn dặm. Khi trẻ sang giai đoạn miễn dịch tương đối, nhờ chứa kháng thể mà sữa mẹ vừa là thức ăn bổ sung vừa là thuốc phòng bệnh lý tưởng, tốt nhất. Trẻ đã tiêm chủng xong mũi sởi (vào tháng thứ 9 đến 11) thì từ sau 12 tháng tuổi miễn dịch đã đáp ứng đầy đủ. Lúc này, sữa bột lại là thực phẩm bổ sung tốt nhất vì chất lượng sữa mẹ đã giảm và thức ăn dặm không đủ chất. Đối với trẻ bị thiếu sữa mẹ hoặc mất sữa mẹ (do uống kháng sinh khi bị rạch âm hộ do khó đẻ hoặc bị bệnh có thể lây qua sữa mẹ) thì việc tiêm chủng và nuôi con bằng sữa mẹ sẽ bị thay đổi. Trẻ cần được tiêm chủng sớm hơn và cho ăn bằng các thực phẩm chất lượng dinh dưỡng cao.

Không phải thực phẩm nào cũng có thể thay thế sữa mẹ về chất lượng dinh dưỡng, nhất là thức ăn dặm được chế biến từ thực phẩm thông thường tại gia đình. Về giá trị dinh dưỡng, thực phẩm tốt nhất có thể thay thế sữa mẹ trong các trường hợp người mẹ bị thiếu hoặc mất sữa, là sữa bò. Vì vậy, công thức chế biến sữa bò thành sản phẩm thay thế sữa mẹ ngày càng hoàn thiện. Các loại sữa thay thế sữa mẹ này, dùng cho trẻ từ 0 đến sáu tháng tuổi, được gọi chung là "công thức cho trẻ sơ sinh" hay theo tiếng Anh là "Infant Fomula" hay "Fomula 1". Việt Nam, trên cơ sở khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm, cũng đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7108:2002 quy định tiêu chuẩn tối thiểu cho loại sữa bột dùng cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi. Về nguyên tắc, hai loại sữa này có yêu cầu tối thiểu tương đương về hàm lượng rất nhiều loại vi-ta-min, chất khoáng, a-xít a-min cần thiết phải bổ sung cho gần giống với sữa mẹ chuẩn. Không phải sữa mẹ nào cũng chuẩn. Tất cả sữa cho trẻ dưới một tuổi đều là sữa tách bơ (sữa gầy) vì hệ men tiêu hóa chất béo ở trẻ chưa hoàn chỉnh. Với trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi, Ủy ban trên chỉ khuyến cáo các mức tối thiểu và tối đa đối với một số chất vi lượng, vi-ta-min... còn lại tùy hãng. Rõ ràng, loại sữa cho trẻ sơ sinh đến sáu hoặc 12 tháng tuổi bao giờ cũng tốt hơn và đắt hơn sữa cho trẻ lớn và các loại thực phẩm bình thường.

Hiện nay, việc in hình trẻ nhỏ (tương ứng các độ tuổi trên nhãn) đang bị luật pháp Việt Nam cấm (Nghị định 74 về kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ, đang sửa đổi vì có một số bất cập). Việc tìm kiếm loại sữa tương ứng độ tuổi, do đó cần nhiều thời gian và dễ bị nhầm lẫn. Để bán được nhiều sản phẩm, các hãng sữa thường lách luật bằng cách ghi nhãn khuyến cáo dùng chung cho nhiều độ tuổi. Thậm chí, các loại sữa đang được ghi nhãn "dùng cho trẻ từ một đến 10 tuổi", "dùng cho trẻ từ một tuổi trở lên", "từ sáu tháng trở lên",... ngày càng nhiều. Trẻ lớn hơn có thể dùng loại sữa cho trẻ ít tuổi hơn. Điều này không trái với khoa học, nhưng vì đắt hơn, các gia đình nghèo ít có khả năng cho ăn bổ sung một cách đúng đắn. Chẳng hạn, trẻ dưới sáu tháng tuổi dùng loại cho trẻ từ một năm tuổi trở lên là không đúng. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá, cho trẻ sơ sinh ăn sữa thường xuyên cộng với chế độ thừa dinh dưỡng, ít vận động thì lại có thể làm cho bé bị béo phì.

Mặt khác, việc in trên nhãn hàng hóa hình bình bú, núm vú cũng đã bị cấm bởi Nghị định 74 nói trên. Để thay vào đó, doanh nghiệp chỉ được in hình cốc, thìa. Nhưng việc cho ăn bằng thìa chỉ thích hợp trẻ đã biết ngồi vững và bắt đầu hiểu được tiếng nói của người mẹ, khi mà cần huấn luyện trẻ tự ăn uống và trò chuyện với bé. Điều này quá khó khăn trong tháng đầu tiên đối với các bà mẹ đang thiếu sữa hoặc mất sữa, cũng như các bà mẹ bắt đầu đi làm kiếm tiền trong những tháng tiếp theo. Theo sinh lý, trẻ sơ sinh trong tuần đầu cần được ngủ tới 20 giờ mỗi ngày, sau đó giảm dần. Dù được bú sữa mẹ đầy đủ nhưng thiếu ngủ, bởi bị đánh thức để ăn bằng thìa, trẻ vẫn dễ bị chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần, trí tuệ. Trẻ đã bú mẹ thì ta không nên sợ trẻ sẽ chán "bình bú xịn" của mẹ. Trẻ chịu bú bình bú với núm vú giả vừa ngủ mà vẫn bú theo phản xạ. Quan trọng là làm vệ sinh chúng cho đúng. Bình bú và núm vú được rửa sạch rồi ngâm trong nước sôi trong vòng 10 phút hoàn toàn có thể dùng cho trẻ bú mà vẫn vệ sinh, tránh bị tiêu chảy cũng như nuôi con nhàn hơn nhiều.

Thiết nghĩ, trẻ được dùng các loại sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, phù hợp là điều hạnh phúc. Việt Nam không còn là nước chậm phát triển. Chúng ta cần hiểu và tuyên truyền đúng về độ tuổi cần bú sữa mẹ hoàn toàn, độ tuổi cần ăn bổ sung, thế nào mới được gọi là thực phẩm có thể thay thế sữa mẹ và tiêu chuẩn hóa các công thức dinh dưỡng, ghi nhãn, làm sạch dụng cụ ăn uống,... để tốt nhất cho bé.

. (Theo Nhân Dân)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mệt mỏi triền miên có thể là dấu hiệu của viêm xoang   (19/08/2003)
Đoán bệnh qua triệu chứng khó nuốt   (18/08/2003)
Cha mẹ giáo dục giới tính cho con như thế nào?   (17/08/2003)
Tránh những "tác động ngược" khi rèn luyện buổi sáng   (15/08/2003)
Cảnh giác với nước tẩy rửa  (14/08/2003)
Tâm sinh lý con người và cách trang trí nhà ở   (13/08/2003)
8 bài thuốc quý từ quả dừa   (12/08/2003)
Răng và những điều cần biết   (11/08/2003)
Dè chừng với sữa tươi, sữa đậu bán rong, không nhãn hiệu   (10/08/2003)
Bệnh đau thắt lưng   (08/08/2003)
Tắm - liệu pháp thư giãn lý tưởng   (07/08/2003)
Lúc nào nên dùng thuốc hạ sốt?   (06/08/2003)
Tình yêu: Những điều nên và không nên làm   (05/08/2003)
Hãy sử dụng ti vi có lợi cho con trẻ   (04/08/2003)
Điều kiện sinh hoạt tại nơi làm việc  (03/08/2003)