Qua nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Trường Y tế Cộng đồng Harvard đã đưa ra kết luận rằng sự tức giận và thù địch sẽ đẩy con người vào nguy cơ mắc chứng tim mạch và làm giảm tính hiệu quả của hệ miễn dịch trong cơ thể. Những người đàn ông hay tức giận thì sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao gấp 3 lần so với những người điềm tĩnh. Phụ nữ, khi cãi nhau hoặc tức giận một điều gì đó, sẽ tăng lượng hoocmôn trong cơ thể dẫn đến khả năng miễn dịch thấp - một tác nhân thúc đẩy nguy cơ bị mắc bệnh ung thư.
Sự tức giận sản sinh ra trong cơ thể con người một dòng hoocmôn gây tác động xấu đến hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch. Khi chúng ta tức giận thì tuyến thượng thận sản xuất ra 2 loại hoocmôn có tên là Adrenanine và Cortisol. Hai loại hoocmôn này sẽ kích thích tăng nhịp tim và huyết áp, gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch cơ thể. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tránh được những cơn tức giận nguy hại này. Dưới đây là một số phương pháp của các nhà tâm lý học đưa ra nhằm giúp các bạn tránh được một cách hiệu quả những cơn tức giận không đáng có:
1. Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân
Khi tức giận, bạn cố gắng điều chỉnh tâm lý bằng cách đặt ra những câu hỏi cho bản thân như: Liệu mình có thường xuyên bị đối xử kiểu như thế không? Liệu mình có nên coi những điều bất tiện nhỏ nhặt ấy là hành động tấn công mình không? Hoặc mình có cường điệu hóa sự đối xử của người khác để mà tức giận không? - Chính những câu hỏi này sẽ làm cho bạn hạ hỏa một cách nhanh chóng, tránh được sự khó chịu.
2. Hãy tự suy xét
Khi có ai đó hoặc việc gì đó làm cho bạn tức giận thì bạn nên bình tĩnh để tự suy xét rằng sự bực tức này do đâu mà có? Tại sao người ta lại cư xử như thế đối với mình nhỉ? Bạn hãy tự hỏi mình: sự tức giận có đáng và có lý không? Nếu có thể bạn nên viết ra những cảm xúc và tình huống mà mình gặp phải để suy ngẫm nhằm tránh không tức giận lần sau.
3. Hãy biết thảo luận một cách êm đềm
Khi gặp phải điều khó chịu, thì điều trước tiên là bạn phải hít thở thật sâu và từ từ thở ra, đồng thời làm một vài động tác vận động cơ thể để lấy bình tĩnh. Sau đó dùng các kỹ năng tâm lý để làm đơn giản hóa tình huống một cách nhẹ nhàng, êm đềm. Chỉ cần vài giây thôi là bạn có thể thấy dễ chịu và sự tức giận biến mất một cách tự nhiên.
4. Đừng coi sự tức giận chỉ đến với bạn
Khi cáu giận, bạn nên nghĩ ngay rằng việc này hết sức bình thường và có thể xảy ra với bất cứ ai, chứ không riêng gì bạn. Bạn nên dùng quan điểm "Nước đổ lá khoai" để làm vũ khí đương đầu với mọi sự khó chịu và bực bội trong đời thường. Bạn cứ chấp nhận mọi việc xảy ra và điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp bạn có bản lĩnh và trở thành người mát tính.
5. Hãy biết quên nhanh
Khi gặp phải điều gì bực tức thì bạn nên nghĩ rằng đó là sự việc, hoặc tình huống làm cho mình khó chịu đôi chút chứ không phải do con người gây nên. Hãy để mọi chuyện qua nhanh, đừng quá bận tâm về quá khứ, cái gì đã qua thì nên cho qua, không nên nhắc lại làm gì. Đừng để bóng đêm của quá khứ bao trùm lên hiện tại và tương lai.
(Theo "Thế giới phụ nữ")
|