Thôi miên - một hiện tượng khoa học huyền bí
17:0', 25/8/ 2003 (GMT+7)

Nhiều nhà khoa học cho rằng, thôi miên là một dạng khoa học huyền bí. Thuật thôi miên được xem là làm cho trạng thái tâm thần của con người như khi đang ngủ. Người làm thôi miên có thể điều khiển được đối tượng theo ý mình. Nói cách khác con người sẽ hành động theo một trạng thái bản năng đặc biệt, thực hiện các hành vi một cách máy móc những điều đã được "ám thị" từ bên ngoài. Mặc dù khoa học đến nay ngày càng phát triển, cấu trúc bộ gen của loài người đã được giải mã vào cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21. Thế nhưng hiện tượng thôi miên vẫn là điều bí ẩn chưa được khám phá hoặc lý giải rõ ràng. ..

* Thôi miên trong y học

Theo các chuyên gia thần kinh học, từ thời xa xưa các nhà tu hành của Ấn Độ đã am hiểu thuật thôi miên. Họ dùng thôi miên để chữa một số căn bệnh cho người. Tuy vậy phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên hiện nay vẫn chưa có sự nhìn nhận thống nhất trong phạm vi nền y học hiện đại. Vào năm 1974, một bác sĩ người Pháp đã dùng thuật thôi miên để chữa các căn bệnh tâm thần cho bệnh nhân của mình. Ông này cho rằng, đây là liệu pháp tâm lý điều trị rất có hiệu quả.

Thập kỷ 90 liệu pháp thôi miên được sử dụng khá phổ biến ở các nước Đông Âu, nhất là Nga và Ucraina. Ngược lại ở các nước phương Tây thì ít thấy hơn, hoặc có áp dụng nhưng rất hạn chế. Ở Châu Âu việc đào tạo bác sĩ về phân tâm học rất phổ biến. Liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc được ứng dụng rộng rãi và có tên khoa học là Psychanalyse - tức phân tâm học trị liệu. Cai nghiện thuốc lá bằng thôi miên là liệu pháp đã được áp dụng tại Mỹ. Thôi miên cũng có thể giúp con người tự "chỉnh hình" và làm đẹp. Điều nầy thật ngoài sức tưởng tượng khi một nghiên cứu mới đây tại Mỹ đã cho rằng khả năng nầy có thể thực hiện được.

Ngành y học nước ta ngay từ thập niên 60 bắt đầu áp dụng phương pháp thôi miên tại một vài bệnh viện lớn ở Hà Nội. Bước đầu được các nhà khoa học xác định là khá thành công. Có nhiều trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh một cách kỳ diệu, không thể lý giải bằng phương pháp chữa trị y học thông thường được. Đến thập niên 70, phương pháp trị liệu bằng thôi miên gặp phải một số khó khăn lớn như vấn đề đào tạo con người, thời gian kéo dài và kinh phí hạn chế. Ngoài ra mỗi bác sĩ sau đào tạo chỉ có thể đảm nhận rất ít bệnh nhân. Tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội đã có nhiều trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi bệnh bằng tâm lý như "phương pháp thư giãn" hoặc bằng liệu pháp thôi miên trực tiếp.

* Thôi miên là khoa học thần bí?

Theo nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ trước đến nay thì thôi miên chính là sự gây ngủ tạm thời. Để lý giải hiện tượng này các nhà khoa học đã cho rằng: thôi miên có hai khía cạnh liên quan đến tâm lý và sinh lý của con người. Ở khía cạnh tâm lý học, người ta đã giải thích và đi đến khẳng định từ khoảng thập niên đầu thế kỷ XX. Các nhà khoa học gọi đây là thuyết "ám thị" (Sugg estion) giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Một số nhà nghiên cứu thôi miên phương Tây lại cho rằng, bản chất của thôi miên chính là khả năng "ám thị" của người làm thôi miên và "tính từ ám thị" của bản thân đối tượng bị thôi miên. Nói cách khác, ngoài tác động của bác sĩ làm thôi miên thì người bệnh cũng phải "tự kỷ ám thị" chính mình. Như vậy muốn quá trình thôi miên thành công thì phải có sự cộng tác đắc lực của cả hai phía: thầy thuốc và bệnh nhân. Ngược lại, nếu đối tượng bị thôi miên không tin tưởng vào khả năng thôi miên của bác sĩ, không "tự kỷ ám thị" theo lời gợi ý của người thôi miên thì sẽ không dẫn đến thành công trong chữa trị căn bệnh.

Khoảng những năm 90 trở đi, chúng ta thấy Đài truyền hình Liên Xô xuất hiện chương trình chữa trị bằng liệu pháp thôi miên thông qua kênh truyền hình thu qua vệ tinh. Trong thời gian này ở một vài địa phương ở nước ta cũng có hiện tượng chữa bệnh bằng "khí công". Môn khí công học được du nhập đã phổ biến vào Việt Nam và lôi kéo hàng chục ngàn người tham gia rèn luyện và chữa bệnh. Theo các nhà nghiên cứu thì cách chữa bệnh bằng khí công có "họ hàng" với phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên đã có từ lâu ở nước ta, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Thuật thôi miên mang lại một khả năng "từ tính" đặc biệt đối với tâm lý con người. Nó là một dạng "trường sinh học" có sức quyến rũ đặc biệt, làm cho con người không cưỡng lại được. Người bị thôi miên thường chịu sự điều khiển một cách máy móc và vô thức hành vi của mình...

* Thôi miên - một dạng tâm thần đặc biệt

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe trường hợp có người giữa nơi công cộng hoặc trên tàu, trên xe, thậm chí giữa buổi chợ đông bỗng như bị "hớp hồn" và đã tự động móc ví tiền hoặc tự lột nữ trang trên mình rồi trao cho một kẻ nào đó lạ hoắc. Một lúc sau nạn nhân mới chợt hiểu ra là mình đã bị "lột sạch", mất hết tài sản cá nhân. Có người cảnh giác cho rằng nạn nhân đã tự gây mê, người khác gọi là bị bỏ "bùa mê, thuốc lú". Nhưng nếu gây mê thì làm sao nạn nhân lại có thể trở về nhà và bình tĩnh nhớ lại trường hợp bản thân bị mất tiền như thế nào. Thậm chí họ đã tự trao tiền bạc, nữ trang cho kẻ xấu như có ai đó điều khiển. Chúng ta chỉ có thể lý giải những trường hợp trên chính là hiện tượng thuộc về thuật thôi miên của những tay "cao thủ" đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để làm điều xấu.

Trên phương diện sinh học, nhà bác học Nga PapLốp đã phân tích quy trình thôi miên chính là một dạng ức chế thần kinh của lớp vỏ não con người. Đây là trạng thái ức chế từng phần của vỏ não, giống như khi ta đang ngủ nhưng vẫn tồn tại một tiềm thức, một "điểm thức" nào đó ở vỏ não. Chính qua điểm thức này, đối tượng bị thôi miên đã nghe được lời nói hoặc nhìn được cử chỉ "ám thị" của người thực hiện thôi miên. Qua các phương tiện máy móc y tế hiện đại, hiện nay các nhà khoa học đã ghi nhận hoạt động của não bộ con người, và đã khẳng định khi con người chìm vào giấc ngủ bình thường thì có hai giai đoạn quan trọng lần lượt được thay thế nhau: giai đoạn ngủ chậm (ngủ lơ mơ) và giai đoạn ngủ nhanh (ngủ sâu). Trong quá trình ngủ chậm, não bộ con người sẽ xuất hiện những sóng điện não, từ đó giấc ngủ sẽ chỉ đến từ từ và sâu dần. Còn giai đoạn ngủ nhanh đòi hỏi phải có những sóng điện não vận động nhanh, sự vận động của nhãn cầu cũng nhanh theo. Nhìn bề ngoài giống như người đang ngủ rất sâu, nhưng bên trong vẫn tồn tại một "sóng điện não" của người đang thức, đối tượng thấy mình hoạt động như người trong mơ và sẵn sàng nghe theo lời thôi miên...

Khi bị thôi miên nhẹ thì điện não đồ giống như trong giai đoạn ngủ chậm. Nhưng khi thôi miên sâu, lúc ấy điện não đồ giống như giai đoạn ngủ nhanh. Lúc này đối tượng bị thôi miên sẵn sàng tiếp thu và thực hiện lời ám thị của thầy thuốc... Hiện nay các khoa thần kinh học trên thế giới đều cho rằng, thôi miên là một dạng tâm thần đặc biệt của con người (kể cả động vật) được sự tác động kích thích từ bên ngoài gây nên. Nó có những đặc điểm chung của điện não đồ như khi ta đang ở trong trạng thái ngủ nhanh, hoặc thiếp đi.

. Tú Ân (tổng hợp)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thế nào là trúng độc khí gas?   (24/08/2003)
Tác hại của cơn tức giận đối với sức khỏe con người   (22/08/2003)
Chọn sữa nuôi trẻ cho đúng   (20/08/2003)
Mệt mỏi triền miên có thể là dấu hiệu của viêm xoang   (19/08/2003)
Đoán bệnh qua triệu chứng khó nuốt   (18/08/2003)
Cha mẹ giáo dục giới tính cho con như thế nào?   (17/08/2003)
Tránh những "tác động ngược" khi rèn luyện buổi sáng   (15/08/2003)
Cảnh giác với nước tẩy rửa  (14/08/2003)
Tâm sinh lý con người và cách trang trí nhà ở   (13/08/2003)
8 bài thuốc quý từ quả dừa   (12/08/2003)
Răng và những điều cần biết   (11/08/2003)
Dè chừng với sữa tươi, sữa đậu bán rong, không nhãn hiệu   (10/08/2003)
Bệnh đau thắt lưng   (08/08/2003)
Tắm - liệu pháp thư giãn lý tưởng   (07/08/2003)
Lúc nào nên dùng thuốc hạ sốt?   (06/08/2003)