Để sống lâu và sống khỏe
15:49', 27/8/ 2003 (GMT+7)

Ước mong sống lâu là niềm mơ ước của loài người. Từ ngàn xưa các nhà hiền triết đã cố công tìm những loại "thuốc trường sinh", "cải lão hoàn đồng". Ngày nay các nhà khoa học nhận định rằng ăn uống có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ.

* Ăn uống hợp lý

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì trên 70% bệnh như dịch tả, thương hàn, lỵ, ngộ độc thực phẩm là do ăn uống kém vệ sinh, còn ăn uống không hợp lý như ăn thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng gây ra hàng loạt bệnh khiếm khuyết dinh dưỡng như suy dinh dưỡng chất đạm năng lượng, bệnh khô mắt, tê phù, bệnh thiếu máu, bướu cổ... Còn ăn uống quá thừa, không cân đối giữa các chất dinh dưỡng thì gây những chứng béo phì, xơ gan, xơ mỡ động mạch ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Tổ chức Y tế thế giới cùng một số quốc gia đã phối hợp nghiên cứu sự liên quan giữa chế độ ăn và các bệnh thường gặp ở người già như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp đã xác định nguyên nhân là chế độ ăn thừa năng lượng, thừa chất béo động vật và muối. Khoa học hiện đại đã xác định nhu cầu năng lượng cho từng lứa tuổi, cho từng đối tượng. Đối với các cụ trên 70 tuổi, nhu cầu năng lượng chỉ khoảng từ 70 đến 80% so với thanh niên. Về chất lượng, một công trình nghiên cứu của những nhà dinh dưỡng Pháp cho biết chế độ ăn lấy gạo làm lương thực căn bản là tốt nhất đối với người nhiều tuổi. Ngoài ra, các cụ thỉnh thoảng nên thay thế ngũ cốc bằng khoai như khoai lang nghệ, vừa cung cấp chất bột, vừa cung cấp caroten góp phần đảm bảo nhu cầu sinh tố A và cung cấp chất xơ giúp người nhiều tuổi chống bệnh táo bón. Các cụ nên bớt dùng thức ăn ngọt như mức bánh bột vì sự dung nạp chất đường đối với người già lại giảm nếu nồng độ đường vượt ngưỡng thận sẽ gây ra chứng tiểu đường. Về chất đạm, thịt, cá, đậu, hạt đều cung cấp nhiều protid. Để quân bình, các cụ nên dùng mỗi thứ một phần ba tổng lượng (thí dụ: 50 gram thịt, 50 gram cá, 50 gram đậu phụ) hoặc một ngày dùng thịt, ngày dùng cá, ngày dùng tàu hủ. Còn trứng gà, trứng vịt là thực phẩm rất bổ dưỡng nhưng lại cung cấp nhiều cholesterol, vì vậy đối với các cụ có da thịt mỗi tuần chỉ ăn một lần thôi.

Về chất béo, nhiều công trình khoa học thông báo mỡ, bơ và dầu dừa cung cấp nhiều acid béo bão hòa là một tác nhân của bệnh xơ vữa động mạch vành tim, còn các loại dầu ăn như dầu đậu nành, dầu bông quì, dầu bắp, dầu mè, dầu cám chứa nhiều acid béo không bão hòa (còn gọi là vitamin F), chúng có tác dụng làm hạ cholesterol huyết, giảm lượng beta-lipoprotein, làm giảm độ đông máu như thế có lợi cho việc điều trị bệnh xơ vữa động mạch và phòng ngừa chứng nhồi máu cơ tim. Một điều cần chú ý là nên ăn dầu sống như trộn dầu vào dĩa xá lách, còn đem dầu chiên, xào thì acid béo sẽ bị bão hòa như mỡ vậy. Thỏa mãn nhu cầu về năng lượng chưa đủ, đối với người có tuổi phải bổ sung sinh tố và những yếu tố vi lượng cần thiết mà các cụ thường bị khiếm khuyết lúc về già.

* Những sinh tố cần thiết

            Trước tiên là Vitamin A mà các chuyên viên dinh dưỡng Mỹ, Pháp chứng minh rằng nó có tác dụng làm thay đổi sự phát triển và biệt hóa biểu bì. Các nhà khoa học này hy vọng sẽ biến đổi được sự bộc lộ của các gen bất thường trong quá trình lão hóa. Ngoài ra, nhiều công trình y học đã chứng minh chất caroten, tiền sinh tố A, có khả năng phòng ngừa một số loại ung thư, một tai họa thứ hai sau bệnh tim mạch đối với tuổi thọ. Còn caroten lại hiện diện ở nhiều rau trái có màu vàng, màu xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau má, rau lang, cà chua, cải bẹ xanh, cà rốt, bí ngô, cam, thơm... mà các cụ nên dùng thường xuyên.

Thứ hai là Vitamin C có vai trò quan trọng đối với sức khỏe vì nó tham gia các quá trình tái sinh tế bào, tổng hợp chất keo, điều hòa sự chuyển hóa chất béo, gia tăng sự hấp thu chất sắt. Vitamin C có ưu điểm là tìm gặp trong các loại rau quả thông thường ở xứ ta như rau cần tây, mồng tơi, cải bẹ trắng, chanh, cam, quít, bưởi, ổi...

Khoa học tuổi thọ thường đề cập đến Vitamin E có tác dụng tổ chức và hoạt động sinh dục. Vitamin E còn là chất chống oxy hóa, bảo vệ nhiều chất biến hủy bởi oxy hóa, kiềm chế sự tiêu hao đạm acid nucleic, chống xơ hóa chung và ưu dưỡng đối với hệ thần kinh và cơ bắp. Do những tác dụng quan trọng trên, hiện nay Vitamin E được xem như một chất bảo vệ tuổi thọ. Vitamin E hiện diện trong thực phẩm thảo mộc như mộng bắp, mộng lúa mì, giá sống, dầu đậu nành, đậu phộng, dầu bắp. Tiếp đến là Vitamin R, tên gọi của nhóm Flavonoid trong đó có chất Rutin (nên có tên là vitamin R) có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm độ xuyên thấm của chúng, nên sinh tố R cũng được gọi là viatamin P. Sinh tố R còn có tác dụng chống oxy hóa nên được xem là chất bảo thọ. Sinh tố R hiện diện trong lá trà xanh, chanh, cam, quít, bưởi, hoa hòe... Để bổ sung Vitamin R, các cụ chỉ cần uống trà xanh hoặc đơn giản hơn uống nước chanh, ăn cam, quít, bưởi.

Trong nhóm sinh tố mà người già hay khiếm khuyết có vitamin U, tên gọi này xuất phát từ chữ Ulcus có nghĩa là loét vì tác dụng đầu tiên được xác nhận là chống loét dạ dày, tá tràng. Vitamin U được chiết suất từ thực vật có tác dụng chống thoái mỡ ở gan và thành động mạch. Rau tươi nhất là cải bắp tươi chứa nhiều sinh tố U. Ngày tết sau khi chán bánh mứt, thịt kho, xin đề nghị các cụ cũng như mọi người dùng đĩa xà lách gồm: cải bắp tươi khoảng 200 gram, cà chua 2-3 trái, dầu thực vật (dầu đậu nành hoặc dầu mè. ..) 2 muỗng súp, chanh nửa trái nhỏ vắt trộn đều. Đây hẳn là một đĩa xà lách tươi mát và bổ dưỡng vì cung cấp đồng thời 6 vitamin A, C, E, F, R, U và một số nguyên tố vi lượng cần thiết cho chúng ta.

Khi về già nồng độ các nguyên tố vi lượng biến đổi rõ rệt. Các nguyên tố vi lượng hữu ích giảm đi nhiều, ngược lại các kim loại độc lại được tích lũy. Sự kiện này làm ảnh hưởng xấu đến việc trao đổi vitamin. Vì vậy cần phải bổ sung các yếu tố vi lượng cần thiết cũng như phải loại ra ngoài các nguyên tố độc bằng phương pháp tăng cường chất dinh dưỡng và phương pháp dùng dược phẩm giải độc.

Để sống lâu hữu ích cho xã hội chẳng những phải lựa chọn sử dụng những yếu tố cần thiết cho cơ thể mà còn phải loại ra những thói quen, tật xấu có hại cho sức khỏe như ghiền rượu, ma túy, cà phê, thuốc lá...

. Nguyễn Tấn Tuấn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dị ứng thuốc   (26/08/2003)
Thôi miên - một hiện tượng khoa học huyền bí   (25/08/2003)
Thế nào là trúng độc khí gas?   (24/08/2003)
Tác hại của cơn tức giận đối với sức khỏe con người   (22/08/2003)
Chọn sữa nuôi trẻ cho đúng   (20/08/2003)
Mệt mỏi triền miên có thể là dấu hiệu của viêm xoang   (19/08/2003)
Đoán bệnh qua triệu chứng khó nuốt   (18/08/2003)
Cha mẹ giáo dục giới tính cho con như thế nào?   (17/08/2003)
Tránh những "tác động ngược" khi rèn luyện buổi sáng   (15/08/2003)
Cảnh giác với nước tẩy rửa  (14/08/2003)
Tâm sinh lý con người và cách trang trí nhà ở   (13/08/2003)
8 bài thuốc quý từ quả dừa   (12/08/2003)
Răng và những điều cần biết   (11/08/2003)
Dè chừng với sữa tươi, sữa đậu bán rong, không nhãn hiệu   (10/08/2003)
Bệnh đau thắt lưng   (08/08/2003)