Viêm nhiễm dây thần kinh là một hội chứng bệnh lý có biểu hiện rối loạn cấu trúc và chứng năng của hệ thần kinh ngoại vi do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Ở nước ta, cần chú ý trước hết tới mối liên quan của bệnh này với Vitamin B1.
1. Lâm sàng
Triệu chứng đầu tiên là rối loạn cảm giác ở cẳng chân và bàn chân tại phía mu bàn chân và các ngón chân rồi lan dần lên theo kiểu như đi bít-tất nhưng không bao giờ bị mất cảm giác. Riêng các vùng quanh hố mắt, vùng chẩm, mặt trong đùi và gan bàn chân thường không bị rối loạn. Tuy nhiên, các trường hợp nặng có khi toàn bộ da trên cơ thể đều bị dị cảm. Trên cơ sở đó, bệnh nhân sẽ thấy mọi loại cảm giác kể cả cảm giác sâu và có thể dẫn đến hiện tượng đi đứng loạng choạng, đồng thời còn thấy đau bắp cơ nhất là ở hai chân.
Khi vận động, bệnh nhân cảm thấy yếu mỏi và nặng nề ở hai cẳng chân, từ đó dẫn đến bại hai chân, rồi có thể bị liệt hai chân, thường thấy rõ ở cơ duỗi bàn chân. Nhiều trường hợp sau khi bị liệt sẽ bị teo cơ hai chân. Hậu quả là khi đi bệnh nhân phải dạng chân hoặc tăng cường các động tác của đầu gối. Sau khi các cơ mắc bị teo, có thể cả cơ đái - chậu cũng bị teo làm cho bệnh nhân khó khoanh chân khi ngồi và khi ngồi xổm khó tự đứng thẳng dậy. Một số bệnh nhân phải chống gậy hoặc dùng nạng khi đi.
Ngoài ra, đôi khi còn thấy viêm nhiều dây thần kinh ở cả hai tay. Riêng các dây thần kinh sọ não rất hiếm khi bị tổn thương.
Mặt khác, trong viêm nhiều dây thần kinh do thiếu Vitamin B1 còn có thể thấy nhiều biểu hiện của một hội chứng tim mạch. Ở trẻ em, trên lâm sàng chủ yếu là các triệu chứng tim mạch.
Trong thực tế, có thể gặp các thể lâm sàng khác nhau như:
- Thể liệt hai chân với các triệu chứng thần kinh (thể tê phù khô).
- Thể bị phù nặng với các triệu chứng tim mạch (thể tê phù ướt).
- Thể phối hợp phù và liệt hai chân.
- Thể có rối loạn tâm trí.
2. Chẩn đoán
Đối với mọi trường hợp, trước hết cần khai thác kỹ bệnh sử, chú ý tới tình trạng dinh dưỡng, các bệnh tật đã xảy ra trước hoặc đồng thời, các thuốc men đã sử dụng, điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh môi trường.
Cần khám bệnh nhân toàn diện về toàn trạng, nội khoa và thần kinh. Đối với các trẻ còn bú mẹ, sau khi khám cháu nhỏ còn phải kiểm tra cả người mẹ đang cho con bú. Đối với phụ nữ có thai hoặc bệnh nhân nghi suy tim, phải xét nghiệm tìm protein niệu và ghi điện tim.
+ Đối với người lớn và trẻ lớn: Chẩn đoán dựa vào sự phối hợp các triệu chứng cảm giác, vận động, dinh dưỡng, thực vật với đặc điểm là các biểu hiện lâm sàng hình thành dần dần, đồng bộ, đối xứng hai bên và ưu thế ở ngọn chi. Các triệu chứng cụ thể như sau:
- Rối loạn cảm giác: tê bì, kiến bò, nóng râm ran hoặc rát bỏng ngoài da; đau khi bị bóp vào các khối cơ; giảm toàn bộ mọi loại cảm giác; vị trí ở hai chân theo kiểu như đi bít-tất.
- Rối loạn vận động: có thể từ giảm hoặc yếu đến bại vận động hoặc liệt vận động hai chân.
- Rối loạn phản xạ: lúc đầu mất các phản xạ gót chân, về sau mất cả phản xạ gối hai bên.
- Rối loạn dinh dưỡng: teo các cơ cẳng chân; da khô hoặc phù nề; loét gan bàn chân; đau các khớp; co các gân.
- Rối loạn thực vật: nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế đứng, khó thở, rối loạn tiêu hóa, rối loạn sinh dục và tiết niệu.
+ Đối với trẻ còn bú: Chẩn đoán dựa vào những đặc điểm sau:
- Trẻ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, phù; giảm, yếu hoặc liệt vận động, kém nhanh nhẹn tỉnh táo, khóc khàn hoặc mất tiếng; lác mắt hoặc sụp mi mắt.
- Có thể có triệu chứng suy tim như nhịp tim nhanh, khó thở, gan to.
- Có thể bị co giật, động kinh.
+ Đối với phụ nữ có thai: Ngoài những triệu chứng đã nêu trên đối với người lớn nói chung, còn phải chú ý phát hiện:
- Tình trạng phù nề, uể oải, mệt mỏi, khó thở tăng lên dần.
- Một số thai phụ bị đau ngực.
- Nhiều trường hợp có tăng huyết áp thoáng qua. Triệu chứng suy tim thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai.
+ Chẩn đoán phân biệt: Cần loại trừ bại liệt trẻ em do vi rút bại liệt polio, viêm tủy ngang, viêm nhiều rễ và dây thần kinh (hội chứng Guillain - Barré).
3. Điều trị
- Cho bệnh nhân uống Vitamin B1 từ 100 đến 150mg mỗi ngày; trường hợp nặng có thể cho tới 200mg mỗi ngày. Giai đoạn cấp và bán cấp, bắt đầu nên cho tiêm bắp, về sau sẽ chuyển sang dạng uống.
- Ngoài thuốc chủ yếu là Vitamin B1, tùy theo diễn biến của bệnh và toàn trạng của bệnh nhân sẽ có thể cho thêm các thuốc thiết yếu khác.
- Đối với trẻ em, có thể cho uống từ 10mg đến 25mg Vitamin B1 mỗi ngày, khi bệnh nhi nặng cần cho tiêm bắp ngay. Nói chung, liều dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi tính bằng 1/3 hoặc 1/2 liều cho người lớn.
- Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân cần phải tăng cường nghỉ ngơi, không lao động nặng, có chế độ ăn uống đủ khẩu phần, thành phần và năng lượng.
- Các bệnh nhân nặng phải được điều trị nội trú.
. GS-TS. Lê Đức Hinh
(Khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai)
|