Những điều cần biết về bệnh thoái hóa khớp
17:26', 2/9/ 2003 (GMT+7)

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh về viêm xương khớp và là tình trạng bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày do triệu chứng đau, tê, hạn chế cử động. Thoái hóa khớp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong do sử dụng thuốc không đúng cách.

* Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp thường gặp nhất ở tuổi 40 và sau tuổi 60, nhưng có dấu hiệu tuổi 30. Đó là tình trạng hư hỏng xảy ra ở phần sụn, đệm giữa hai đầu xương và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối hai đầu xương. Thoái hóa khớp thường gặp ở các khớp cột sống cổ, cột sống thắt lưng, khớp vai, khớp bàn tay, khớp háng, khớp gối... gây đau và cứng khớp, làm hạn chế các cử động của khớp.

Các nhà chuyên môn cho rằng thoái hóa khớp ở những người cao tuổi phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt, nhưng các yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thoái hóa khớp là tuổi tác, tình trạng béo phì, những chấn thương nhẹ và mãn tính ở khớp.

Trong quá trình lão hóa, tính chống đỡ của sụn sẽ dễ bị kém đi và dễ bị hư hỏng trong quá trình cử động. Tình trạng béo phì góp phần làm tăng gánh nặng cho các khớp, nhất là khớp háng, khớp gối. Một yếu tố quan trọng nữa là những chấn thương nhẹ nhưng kéo dài qua nhiều năm tháng hay khuân vác đồ nặng cũng làm tăng gánh nặng cho khớp cột sống, khớp háng, khớp gót chân. Ngoài ra, những trường hợp không vận động, bất động kéo dài sẽ làm nhanh quá trình thoái hóa khớp.

* Biểu hiện của thoái hóa khớp

Đau tại khớp và cứng khớp vào buổi sáng là 2 triệu chứng thường gặp nhất mà người bệnh hay nhầm là trật hay bong gân. Tuy nhiên, mỗi loại bệnh có những cảm giác khác nhau:

- Thoái hóa cột sống thắt lưng: Giai đoạn đầu người bệnh thấy đau lưng nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, kéo dài khoảng 30 phút thì giảm đau. Sau một thời gian, đau lưng sẽ kéo dài cả ngày, tăng khi làm việc nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Thoái hóa cột sống thắt lưng hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống. Đôi khi có ảnh hưởng thần kinh tọa làm người bệnh có cảm giác đau từ lưng xuống chân, có khi đau mạnh như có luồng điện chạy từ trên xuống.

- Thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở cột sống cổ thứ 4-5-6, biểu hiện bằng cảm giác đau mỏi phía sau gáy lan đến cánh tay bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

- Thoái hóa ở khớp gót chân: Bệnh nhân có cảm giác thốn ở gót vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, bước xuống giường đi những bước đầu tiên, sau vài chục mét thì thấy giảm hẳn và đi đứng bình thường.

- Thoái hóa khớp gối, ngoài triệu chứng đau có thể kèm theo tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, đau nhiều hơn khi đi lại, vận động, nhất là khi ngồi xổm đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải níu vào vật gì mới có thể đứng dậy. Nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ khớp gối.

- Thoái hóa khớp háng làm người bệnh đi lại khó khăn ngay từ đầu do đau vì khớp háng chịu đựng trọng lượng cơ thể nhiều nhất.

* Phương pháp điều trị

Do chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của thoái hóa khớp, vì vậy vấn đề điều trị tập trung vào những mục tiêu sau:

- Giảm đau tại khớp bị thoái hóa.

- Duy trì và cải thiện chức năng của khớp, đồng thời dự phòng biến chứng hạn chế cử động khớp.

- Làm chậm tổn thương tại khớp và ngăn ngừa tổn thương mới.

Thông thường, bệnh ở mức độ nhẹ chỉ sử dụng những phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại hoặc sử dụng những máy phát sóng ngắn hay máy siêu âm, xung điện giảm đau. Ngoài ra, vận động liệu pháp trong giai đoạn đã giảm đau cũng là một cách tốt. Trong giai đoạn đau nhiều nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động.

Ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ cho dùng thêm thuốc, chủ yếu là thuốc kháng viêm, giảm đau và thuốc giãn cơ. Các loại thuốc này thường có tác dụng phụ lên bao tử, đặc biệt ở người lớn tuổi nguy cơ viêm, loét dạ dày hay xuất huyết, thủng dạ dày rất dễ xảy ra. Vì thế, dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Hạn chế các động tác, tư thế làm việc có hại cho khớp như xách nặng, khuân vác nặng, đứng hay ngồi lâu ở một tư thế, tập các bài tập khởi động khớp hay chơi thể thao đều đặn vào mỗi sáng không chỉ có tác dụng phòng ngừa thoái hóa khớp mà còn tác động tích cực đến hệ tim mạch, hô hấp.

. Theo Thanh Niên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chặn chứng béo phì ở trẻ em   (01/09/2003)
Viêm nhiễm dây thần kinh do thiếu hụt Vitamin B1   (31/08/2003)
Tự phá hủy hàng rào bảo vệ cơ thể do tự nhiên ban tặng   (29/08/2003)
Đối thủ nặng ký của Viagra   (28/08/2003)
Để sống lâu và sống khỏe  (27/08/2003)
Dị ứng thuốc   (26/08/2003)
Thôi miên - một hiện tượng khoa học huyền bí   (25/08/2003)
Thế nào là trúng độc khí gas?   (24/08/2003)
Tác hại của cơn tức giận đối với sức khỏe con người   (22/08/2003)
Chọn sữa nuôi trẻ cho đúng   (20/08/2003)
Mệt mỏi triền miên có thể là dấu hiệu của viêm xoang   (19/08/2003)
Đoán bệnh qua triệu chứng khó nuốt   (18/08/2003)
Cha mẹ giáo dục giới tính cho con như thế nào?   (17/08/2003)
Tránh những "tác động ngược" khi rèn luyện buổi sáng   (15/08/2003)
Cảnh giác với nước tẩy rửa  (14/08/2003)