Phù chân - chứng bệnh thường gặp
16:38', 7/9/ 2003 (GMT+7)

Phù là hiện tượng ứ trệ bất thường dịch trong các mô cơ thể. Trong các loại phù thì phù chân hay gặp hơn cả, đặc biệt là ở nữ giới.

Cơ thể con người chứa khoảng 60% nước. Bình thường có sự cân bằng giữa dịch trong máu với dịch ở các mô. Nếu vì một lý do nào đó, sự cân bằng này không giữ được thì dịch sẽ ứ lại ở các mô cơ thể, chủ yếu là mô liên kết (mô nằm ở các khoang kẽ, giữa các dây thần kinh, cơ và xương). Đấy là hiện tượng phù. Phù hay xuất hiện ở chân và do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng đôi khi cũng có loại phù chưa rõ nguyên nhân.

Phù thường biểu hiện như sau: Đầu tiên, người bệnh thấy mình tăng cân nhưng chân thì chưa phù. Về sau, mới thấy phù chân, rõ nhất vào buổi chiều, kèm theo cảm giác mệt mỏi. Có thể chỉ phù hai mắt cá, hoặc phù toàn bộ cẳng chân, thậm chí chân bị biến dạng hẳn (chân voi). Có khi bị phù một chân do suy tĩnh mạch, hậu quả của giãn tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch bắp chân, tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch chậu của tiểu khung). Bệnh nhân thấy đau sâu và nóng ở vùng tổn thương.

Ở nhiều trường hợp, có thể gặp một số biến chứng: Loét giãn tĩnh mạch, rối loạn dinh dưỡng các mô (teo da, rối loạn sắc tố), viêm da kèm theo nhiễm liên cầu khuẩn (viêm quầng, viêm tĩnh mạch).

Nguyên nhân gây bệnh có thể là cơ học hay hóa học.

Nguyên nhân cơ học: Có những vật nằm trong lòng một tĩnh mạch hay một bạch mạch (mạch bạch huyết) ngăn cản sự tuần hoàn của dịch: viêm tĩnh mạch hoặc viêm bạch mạch hoặc ít gặp hơn là khối u chèn vào mạch máu. Suy tim cũng có thể gây phù chân vì làm tăng áp lực máu trong các tĩnh mạch và mao mạch.

Nguyên nhân hóa học: Có những thiếu hụt, hoặc ngược lại, dư thừa một số chất, làm rối loạn cơ chế cân bằng dịch: giảm protein trong máu ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư, ứ muối do suy thận hoặc do dùng một số thuốc (corticoid, viên thuốc tránh thai có nhiều estrogen); thiếu protein hoặc vitamin B1, hay gặp ở người nghiện rượu.

Việc điều trị thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh: Dùng thuốc chống đông, nếu bị viêm tĩnh mạch; thuốc lợi tiểu, trợ tim và giãn mạch nếu có suy tim… Bệnh nhân nên đi các loại bít tất thun để ép chân lại, giúp cho máu ở chân chảy về tim được dễ dàng (nhớ đi bít tất buổi sáng sớm, trước khi ngủ dậy). Nếu bị suy tĩnh mạch, khi ngủ, người bệnh nên gác chân lên cao và dùng các thuốc trợ tĩnh mạch. Trong nhiều trường hợp, phù chân chỉ có cách chữa duy nhất là "dồn" dịch thoát vào nước tiểu để thận loại bỏ ra ngoài. Muốn thế, trong chế độ ăn cần hạn chế bớt muối, đôi khi dùng thêm thuốc lợi tiểu. Nếu phù nhiều, phải xoa bóp chân bằng tay hoặc bằng dụng cụ (đặt chân trong một khung nẹp chứa khí rồi bơm phồng nẹp lên). Khi đã có biến chứng, cần thường xuyên bôi thuốc sát trùng tại chỗ hoặc bôi thuốc tùy từng trường hợp, có khi phải ghép da (nếu có loét) hoặc dùng kháng sinh (nếu bị viêm quầng).

. (Theo Thuốc và sức khỏe)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thuốc nam chữa đau dạ dày   (05/09/2003)
Cảnh báo tác hại của khói thuốc   (04/09/2003)
Phương pháp mới trong điều trị ung thư vú phụ nữ   (03/09/2003)
Những điều cần biết về bệnh thoái hóa khớp   (02/09/2003)
Chặn chứng béo phì ở trẻ em   (01/09/2003)
Viêm nhiễm dây thần kinh do thiếu hụt Vitamin B1   (31/08/2003)
Tự phá hủy hàng rào bảo vệ cơ thể do tự nhiên ban tặng   (29/08/2003)
Đối thủ nặng ký của Viagra   (28/08/2003)
Để sống lâu và sống khỏe  (27/08/2003)
Dị ứng thuốc   (26/08/2003)
Thôi miên - một hiện tượng khoa học huyền bí   (25/08/2003)
Thế nào là trúng độc khí gas?   (24/08/2003)
Tác hại của cơn tức giận đối với sức khỏe con người   (22/08/2003)
Chọn sữa nuôi trẻ cho đúng   (20/08/2003)
Mệt mỏi triền miên có thể là dấu hiệu của viêm xoang   (19/08/2003)