Sau khi tiến hành khảo sát 30 trẻ em từ 9 đến 16 tuổi có chế độ ăn sáng khác nhau, kể cả không ăn, tiến sĩ Claire Pincock thuộc Trường đại học Reading (Anh) đã đưa ra kết luận: Những trẻ có thói quen ăn sáng với ngũ cốc và bánh mỳ thực hiện các hoạt động trí não tốt hơn những em ăn sáng qua loa với đồ ăn nhanh và nước uống có ga.
Qua một thời gian kiểm tra khả năng tập trung và trí nhớ của các em 4 lần trong một buổi sáng, các nhà khoa học Anh đưa ra kết luận là những em dùng bữa sáng qua loa thì khả năng thực hiện các hoạt động trí não rất kém vào thời gian còn lại trong ngày. Theo nhóm nghiên cứu, có được kết quả trên là do trong ngũ cốc và bánh mỳ chứa nhiều carbohydrat phức hợp, có khả năng giải phóng năng lượng trong một thời gian dài. Còn đồ ăn nhanh chỉ bổ sung carbohydrat đơn, ví dụ như đường, chỉ có tác dụng tăng cường sinh lực lúc ban đầu. Cũng theo tiến sĩ Pincock, khả năng nhận thức của con người thường suy giảm vào buổi sáng và sự suy giảm này sẽ giảm một nửa ở trẻ em hấp thụ carbohydrat phức hợp trong bữa sáng so với những em hấp thụ carbohydrat đơn.
Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, trẻ em bỏ qua bữa sáng sẽ có nguy cơ bị béo phì bởi các em thường hấp thụ quá nhiều calo vào các bữa tiếp sau trong ngày để bù lại những cơn đói mềm của buổi sáng.
. (Theo BBC)
|