Những điều cần biết để làm mẹ an toàn
16:13', 11/9/ 2003 (GMT+7)

* Thai nghén có nguy cơ

Đó là những trường hợp có thai kèm theo các yếu tố không bình thường về phía mẹ hoặc phía con có thể gây khó khăn, tai biến trong lúc có thai hoặc sinh đẻ sau này, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tính mạng của cả mẹ lẫn con. Có nhiều yếu tố nguy cơ trong thai nghén, có thể xếp thành nhóm:

- Trước khi có thai: Đó thường là các bệnh tật hoặc di chứng bệnh tật từ bé để lại trên cơ thể người phụ nữ như: bệnh tim, bệnh phổi, bệnh gan, thận, những người có dị tật bẩm sinh ở đường sinh dục (tử cung đôi, tử cung hoặc âm đạo có vách ngăn…), những người bị di chứng còi xương hoặc bại liệt hoặc các bệnh khác như lao cột sống, lao khớp háng, gãy xương chậu… làm cho khung chậu bị hẹp, méo.

- Trong lúc có thai: Bao gồm các loại bệnh mắc phải khi thai nghén (cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm gan, sốt rét…) hoặc những bệnh do thai nghén mà có như nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo, chửa ngoài tử cung, chửa trứng, thai suy dinh dưỡng, các ngôi thai không thuận (ngôi ngang, ngôi ngược…)

- Trong tiền sử chửa đẻ: Lần đẻ trước đã phải mổ lấy thai hoặc phải làm các thủ thuật như cặp thai (foocxep), giác hút thai, những trường hợp đã bị sảy thai liên tiếp, vô sinh nhiều năm, đẻ con bị chết ngạt…

- Các yếu tố nguy cơ khác: Có thai khi còn ít tuổi (dưới 18 tuổi) hoặc đã cứng tuổi (trên 35), đẻ nhiều lần (4 lần trở lên). Các yếu tố về điều kiện kinh tế, địa dư, văn hoá, xã hội cũng trở thành yếu tố nguy cơ như hoàn cảnh gia đình túng thiếu, nhà “ổ chuột”, ở nơi xa xôi hẻo lánh quá xa cơ sở y tế, người mẹ không biết chữ, thiếu nước sạch…

Những trường hợp thai nghén có nguy cơ này cần được theo dõi và hướng dẫn cẩn thận để bà mẹ được chăm sóc chu đáo ở y tế cơ sở, đồng thời phải được đến đẻ ở nơi có đủ trình độ và phương tiện chuyên môn. Có những trường hợp phải vào bệnh viện chờ đẻ trước hàng tuần, hàng tháng như đối với các bà mẹ có bệnh tim, các trường hợp nhiễm độc thai nghén nặng, các trường hợp có sẹo mổ ở tử cung, rau tiền đạo…

* Dọa sảy thai và dọa đẻ non

Trước khi sảy thai hay đẻ non thực sự, bà mẹ có dấu hiệu báo động trước gọi là “động thai”. Khi đó bà mẹ có các triệu chứng:

- Đau bụng: có các cơn đau bụng dưới. Lúc đầu chỉ tưng tức, nhoi nhói, sau đau rõ rệt. Mỗi cơn đau, thành bụng hơi cứng hơn do tử cung ở bên trong co bóp lại. Cơn đau thường mỗi lúc một tăng mạnh và khoảng giữa các cơn cũng càng ngắn lại.

- Kèm theo đau bụng còn có máu từ tử cung chảy ra. Dọa sảy thai bao giờ cũng có chảy máu. Có khi chảy máu còn sớm hơn đau bụng. Còn dọa đẻ non thường  chỉ ra nước ối lẫn ít máu và chất nhầy.

* Nguy cơ đối với bà mẹ sau đẻ

Nguy cơ cao nhất đối với bà mẹ ngay sau đẻ là băng huyết với dấu hiệu:

- Chảy máu ồ ạt, cũng có trường hợp chảy máu ri rỉ ít một khó phát hiện.

- Sờ nắn trên bụng người bị băng huyết sẽ thấy tử cung co không tốt. Cụ thể, đáng lẽ tử cung phải co chặt thành một khối rắn ở bụng dưới thì lúc này chỉ thấy một khối mềm nhão. Tử cung càng mềm nhão bao nhiêu, lượng máu mất đi càng nhiều.

- Do mất máu nhiều, bà mẹ thấy mệt lịm đi, da lạnh, xanh xao, niêm mạc mắt và môi nhợt nhạt, khát nhiều, vã mồ hôi, thở nhanh, mạch yếu.

* Những nguy cơ lớn nhất đối với trẻ mới đẻ

- Ngạt: là tình trạng trẻ đẻ ra không thở được nữa, do đó cơ thể sẽ bị thiếu oxy, có thể gây nên các thương tổn trầm trọng tại các tạng, đặc biệt nguy hiểm là các tổn thương ở não. Nếu ngạt nhẹ và được cấp cứu đúng, kịp thời thì trẻ có thể qua khỏi được, ngược lại trẻ có thể chết, nếu sống thì sẽ ốm yếu, khó nuôi, chậm phát triển.

- Hạ thân nhiệt: Sau đẻ, nhiệt độ cơ thể trẻ hạ thấp dưới 36 độ C. Lúc đó chân tay trẻ lạnh ngắt, các vùng nách, ngực đáng lẽ ấm nóng giờ cũng lạnh đi. Trẻ thường li bì, bú yếu hoặc không chịu bú. Nguy cơ này có thể làm trẻ tử vong.

Nhiễm trùng là nguy cơ dễ xảy ra với trẻ mới đẻ vì cơ thể còn quá yếu ớt. Nếu nhiễm trùng thì diễn biến thường nặng do sức chống đỡ của cơ thể chưa đầy đủ như khi đã lớn.

. (Theo KH-ĐS)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sử dụng thuốc ở trẻ em   (10/09/2003)
Những dấu hiệu viêm xoang thường bị bỏ quên   (09/09/2003)
Bữa ăn sáng qua loa làm giảm trí năng của trẻ   (08/09/2003)
Phù chân - chứng bệnh thường gặp   (07/09/2003)
Thuốc nam chữa đau dạ dày   (05/09/2003)
Cảnh báo tác hại của khói thuốc   (04/09/2003)
Phương pháp mới trong điều trị ung thư vú phụ nữ   (03/09/2003)
Những điều cần biết về bệnh thoái hóa khớp   (02/09/2003)
Chặn chứng béo phì ở trẻ em   (01/09/2003)
Viêm nhiễm dây thần kinh do thiếu hụt Vitamin B1   (31/08/2003)
Tự phá hủy hàng rào bảo vệ cơ thể do tự nhiên ban tặng   (29/08/2003)
Đối thủ nặng ký của Viagra   (28/08/2003)
Để sống lâu và sống khỏe  (27/08/2003)
Dị ứng thuốc   (26/08/2003)
Thôi miên - một hiện tượng khoa học huyền bí   (25/08/2003)