Phòng bệnh răng miệng trẻ em: Không để quá muộn
16:16', 19/9/ 2003 (GMT+7)

Chú ý và ngăn ngừa bệnh răng miệng từ sớm cho trẻ có thể tránh được nhiều biến chứng có hại như viêm lợi, nhiễm trùng chân răng, lệch hàm...

* Răng miệng - bệnh không chừa ai

Theo điều tra của Viện Răng Hàm Mặt - Bộ Y tế thì hiện nay, tỷ lệ người bị sâu răng của người dân nước ta còn ở mức cao. Cứ 10 em có độ tuổi từ 6-8 thì có hơn 8 em bị sâu răng sữa và trung bình mỗi em có 5,4 răng bị sâu. Ở lứa tuổi 15-17 có 68,6% người bị sâu răng, trung bình mỗi người có 2,4 răng sâu. Còn đến lứa tuổi trên 45 thì tỷ lệ người bị sâu răng lên tới 89,7%, trung bình mỗi người có 8,93 răng đã bị sâu hoặc bị mất do sâu.

Bên cạnh sâu răng, bệnh viêm lợi ở trẻ và viêm quanh răng ở người lớn cũng có tỷ lệ người mắc cao. Có 71,4% trẻ em bị viêm lợi và 99,4% người lớn ở lứa tuổi trung niên có biểu hiện viêm lợi hoặc viêm quanh răng mà trong đó có 36,4% người đã có biểu hiện tiêu xương ổ răng tạo thành túi lợi bệnh lý quanh răng. Đây là ổ nhiêm trùng tiềm tàng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng: xuất hiện mủ ở chân răng gây áp xe lợi, nhiễm trùng ở chóp răng, răng lung lay, hôi miệng... Nhiều bệnh về răng miệng có thể gây chết người do viêm tủy hay nhiễm trùng máu hoặc biến chứng sang viêm khớp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh về răng. Hiện nay, nhiều người dân dùng nước có độ fluor không bảo đảm. Nhiều vùng, đặc biệt là miền núi và nông thôn ở nước ta có nồng độ fluor trong nước chỉ từ 0,45-0,5 mg/lít trong khi đó nồng độ fluor chuẩn phải là: 0,7mg/1ít. Ngoài ra, mạng lưới phòng bệnh răng miệng ở nước ta còn yếu nên công tác phòng, chống bệnh răng miệng ở các địa phương chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng là một vấn đề. Có nhiều người không coi trọng việc vệ sinh răng miệng hằng ngày, ăn uống vô tội vạ và đến khi thấy đau răng đến mức không chịu được mới thèm đến bệnh viện...

* Hãy chăm sóc từ chiếc răng đầu tiên

Theo GS.TS Trần Văn Trường, Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam thì răng sữa cũng có thể ví như sự phát triển của đứa trẻ. Nếu ngay từ khi còn trong bào thai đã được chăm sóc tốt, đúng cách thì chắc chắn sau này đứa trẻ sẽ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ. Răng sữa cũng sẽ được thay nhưng nếu chăm sóc không tốt để răng sữa bị sâu, răng rụng sớm nên khi răng vĩnh viễn bị mọc lệch do hàm mọc xô lệch. Vì vậy, ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên, các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến việc làm vệ sinh răng miệng cho trẻ và có chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng để tránh mắc các bệnh về lợi như chảy máu chân răng, nứt góc miệng..., tập cho trẻ có thói quen ăn chậm, nhai kỹ để tránh các bệnh viêm nhiễm vùng hầu họng, không nên dùng quá nhiều kháng sinh, gây nhiễm nấm trong miệng, gây sâu răng.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên tập thói quen đánh răng kỹ hằng ngày cho trẻ. Đánh răng 2 lần/ngày vào sau bữa cơm tối và trước bữa ăn sáng với bàn chải đúng quy chuẩn và thuốc đánh răng có hàm lượng fluor thích hợp và khi đánh phải chải đều cả mặt trong lẫn ngoài, đánh theo chiều dọc thân răng.

Khi trẻ đến tuổi thay răng, cha mẹ phải chú ý để nhổ răng cho đúng tuổi để tránh răng vĩnh viễn bị mọc lệch. Mỗi răng sữa có tuổi thay khác nhau, trẻ 6-7 tuổi thay 2 răng cửa dưới và 2 răng cửa trên, cần chú ý chăm sóc răng số 6 hàm dưới vì là răng vĩnh viễn đầu tiên của trẻ bởi chiếc răng đầu tiên bị lệch sẽ ảnh hưởng đến cả hàm. Nếu trong giai đoạn thay răng, trẻ bị khấp khểnh thì cha mẹ không nên tự ý nắn răng, hãy đến gặp bác sĩ nha khoa. Khi trẻ thay răng vĩnh viễn thì phải chú ý vệ sinh răng miệng, không nên ăn nhiều quà vặt để tránh răng có rãnh mặt nhai sâu sẽ là nơi chứa đựng thức ăn còn sót lại.

. Ngọc Nam

(báo Giáo dục và Thời đại)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiến bộ mới trong điều trị bệnh tim   (18/09/2003)
Điều dưỡng và chăm sóc người bệnh  (17/09/2003)
Phòng các chứng đau đầu   (16/09/2003)
Tập thể dục giúp phụ nữ ngăn ngừa ung thư vú   (14/09/2003)
Những điều cần biết để làm mẹ an toàn   (11/09/2003)
Sử dụng thuốc ở trẻ em   (10/09/2003)
Những dấu hiệu viêm xoang thường bị bỏ quên   (09/09/2003)
Bữa ăn sáng qua loa làm giảm trí năng của trẻ   (08/09/2003)
Phù chân - chứng bệnh thường gặp   (07/09/2003)
Thuốc nam chữa đau dạ dày   (05/09/2003)
Cảnh báo tác hại của khói thuốc   (04/09/2003)
Phương pháp mới trong điều trị ung thư vú phụ nữ   (03/09/2003)
Những điều cần biết về bệnh thoái hóa khớp   (02/09/2003)
Chặn chứng béo phì ở trẻ em   (01/09/2003)
Viêm nhiễm dây thần kinh do thiếu hụt Vitamin B1   (31/08/2003)