Tự uống thuốc: lợi hay hại?
16:57', 23/9/ 2003 (GMT+7)

Tự mua thuốc (cho dù là thuốc bổ) về uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ là một thói quen có hại cho sức khỏe, nhiều khi dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài hoặc tai biến nghiêm trọng. Đó là nội dung cuộc trò chuyện sau đây với Tiến sĩ dược học Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh), một người đã có 33 năm trong nghề thuốc.

* Thói quen tự uống thuốc mà không cần chỉ định của bác sĩ, tự chữa trị sau khi đọc báo, xem quảng cáo, nghe mách bảo, thậm chí của người bán thuốc không phải là dược sĩ hầu như vẫn tồn tại lâu nay. Xin Tiến sĩ cho biết những nguy hiểm của việc "tự uống thuốc" này?

- Ở hầu hết các nước, kể cả nước ta, thuốc được chia làm hai loại: loại được bán theo toa (đơn) của bác sĩ và loại bán không cần toa. Loại thuốc bán theo toa là loại thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần (thuốc làm thay đổi trạng thái tâm thần), thuốc thuộc loại nguy hiểm (giữa liều điều trị và liều độc có khoảng cách rất hẹp, dùng "sai một ly" có thể tai biến tới một dặm"). Đây là loại thuốc cần được bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán đúng bệnh mới ghi toa, và nhà thuốc chỉ được phép bán khi người bệnh trình toa thuốc đó ra. Còn loại thuốc bán không cần toa là loại thuốc thông thường, có khi được gọi là thuốc OTC (viết tắt của Over the Counter, tức thuốc có sẵn trên quầy) dùng để trị các rối loạn thông thường như cảm, sổ mũi, ho, tiêu chảy, táo bón... Tuy có thể tự uống nhưng người dùng thuốc phải có kiến thức tối thiểu về thuốc đó bằng cách đọc kỹ bản hướng dẫn kèm theo thuốc hoặc hỏi và thu thập thông tin từ dược sĩ phân phối thuốc.

Ở Việt Nam, đúng là từ lâu, bà con ta do sau khi đọc báo xem mục hỏi đáp sức khỏe, xem quảng cáo, nghe mách bảo từ người không có chuyên môn; hoặc đến nhà thuốc gặp người bán thuốc không phải là dược sĩ, thậm chí là người không được đào tạo (ít nhất phải có trình độ dược tá) mà vấn đề "tự dùng thuốc" có thể trở thành rất nghiêm trọng như sau: 1/ Tự ý dùng thuốc, mà lại là loại thuốc bán theo toa (thuốc kháng sinh và thuốc loại glucocorticoid, gọi tắt là corticoid) song lại được bán khá thoải mái. 2/ Do hoàn toàn mù tịt về thuốc nhưng lại tự ý dùng thuốc, hậu quả là dùng thuốc rất sai.

Một thí dụ về tự ý dùng thuốc rất sai khá phổ biến là bị cảm sơ sài nhưng lại dùng kháng sinh chloramphemicol (tên biệt dược nổi tiếng trước đây là Tifomycine) đề tự chữa trị thường xuyên, sau một thời gian đâm ra bị "thiếu máu bất sản" (cơ thể không sinh ra được tế bào máu) dẫn đến tử vong. Tóm lại, "tự ý dùng thuốc", "lạm dụng thuốc một cách tự ý mà lại không có sự hiểu biết kèm theo" đều có thể đưa đến tác hại không lường trước được.

Với sự bùng nổ thông tin trên Internet như hiện nay, ta cần phải cảnh giác và thận trọng. Đối với người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn luôn phải sàng lọc, chọn lấy thông tin nào đáng tin cậy và tin cậy ở mức độ nào trên quan điểm "y học phải có chứng cứ" (evidence based medicine) và có các công cụ để sàng lọc thông tin.

Dược phẩm luôn gắn liền với kinh doanh, vì vậy thông tin về dược phẩm luôn bị nhiễu vì kinh doanh, lợi nhuận. Trên Internet, trình độ quảng bá lên đến mức "siêu" nên thông tin về dược phẩm càng dễ bị nhiễu hơn nữa.

Đối với người dùng thuốc nói chung, có lời khuyên là đừng bao giờ lấy tin trên Internet để tự chẩn đoán bệnh, tự tìm loại thuốc nào cho là "thích hợp" (bởi vì đã được quảng cáo rất nghệ thuật để nghe xuôi tai, chiều nào cũng lọt), rồi đến nhà thuốc mua về tự uống, tự chữa bệnh. Khi bị rối loạn ngờ mình là có bệnh, cách khôn ngoan nhất là đến bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám bệnh và được hướng dẫn chỉ định cách điều trị. Nếu bị những rối loạn được cho là nhẹ, thường thì có thể đến nhà thuốc để được hướng dẫn mua loại thuốc OTC. Xin lưu ý người hoạt động ở nhà thuốc chỉ là người đảm nhận việc phân phối và hướng dẫn sử dụng thuốc, hoàn toàn không có chức năng khám, chẩn đoán bệnh và không được chỉ định các loại thuốc bán theo toa của bác sĩ.

* Có phải uống thuốc không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, thí dụ: truyền nước biển cho khỏe? Hoặc là các hoạt động khuyến mãi thuốc, nhất là các chất vitamin sủi bọt liệu uống nhiều có thật sự "bổ" không?

- Nếu cho rằng "Uống thuốc không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc" thì chắc chắn có ngày ta không bổ bề nào cả mà là "bổ ngửa" vì do dùng thuốc bừa bãi, tùy tiện và bị tai biến do thuốc. "Truyền nước biển" như một số bà con gọi là một cách đưa thuốc vào cơ thể bằng đường tiêm tĩnh mạch nhỏ giọt. Đúng là truyền nước biển sẽ khỏe, nhưng chỉ khỏe cho một số người bệnh, đặc biệt như người bệnh nặng bị hôn mê, bị mất nước trầm trọng (sẽ dùng dịch truyền cung cấp đạm, chất béo, vitamin...).  Còn người không bị bệnh gì, đã khỏe, lại muốn khỏe hơn, tìm cách truyền nước biển thì coi chừng bị "bổ ngửa" vì các nguy cơ "sốc" dịch truyền, lây nhiễm các bệnh HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C, phù tim, thận...

Đối với vitamin C, trước hết cần ghi nhận đây là chất dinh dưỡng (cùng các vitamin khác) hằng ngày được cung cấp qua thực phẩm, thức ăn thức uống. Nếu ăn uống đầy đủ chất thì không sợ thiếu vitamin, trong có vitamin C. Đối với các chất dinh dưỡng, lượng cung cấp hằng ngày được khuyến cáo là 60mg. Nếu chỉ để bổ sung hằng ngày, lượng cung cấp chỉ nên gấp bốn, năm lần lượng khuyến cáo này (còn nếu chữa bệnh, lượng cung cấp có thể gấp 100 - 1.000 lần). Vì vậy, ở một số đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin C (như người hút thuốc lá nhiều, phụ nữ có thai, cho con bú...) hằng ngày nên bổ sung khoảng 200-300mg vitamin C. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, vitamin C được cung cấp dạng thuốc viên sủi bọt chứa liều cao 1.000 mg dược chất trong một viên. Như vậy, mỗi ngày dùng một viên sủi đã là quá nhiều. Nếu dùng liền tù tì hai, ba viên sủi như uống nước giải khát và dùng lâu ngày sẽ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hóa (nhất là uống vào lúc bụng trống), gây sỏi thận (sỏi oxalat). Riêng dạng thuốc sủi bọt, người đang kiêng muối (như bị bệnh tăng huyết áp được bác sĩ khuyên ăn nhạt) phải tránh dùng (một viên sủi bọt thường chứa từ 274 - 460mg na-tri, thực chất kiêng muối là kiêng na-tri).

. (Theo Tuổi Trẻ)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Món ăn - bài thuốc cho người bị chấn thương sọ não   (22/09/2003)
Sắc đẹp đến từ giấc ngủ ngon   (21/09/2003)
Phòng bệnh răng miệng trẻ em: Không để quá muộn   (19/09/2003)
Tiến bộ mới trong điều trị bệnh tim   (18/09/2003)
Điều dưỡng và chăm sóc người bệnh  (17/09/2003)
Phòng các chứng đau đầu   (16/09/2003)
Tập thể dục giúp phụ nữ ngăn ngừa ung thư vú   (14/09/2003)
Những điều cần biết để làm mẹ an toàn   (11/09/2003)
Sử dụng thuốc ở trẻ em   (10/09/2003)
Những dấu hiệu viêm xoang thường bị bỏ quên   (09/09/2003)
Bữa ăn sáng qua loa làm giảm trí năng của trẻ   (08/09/2003)
Phù chân - chứng bệnh thường gặp   (07/09/2003)
Thuốc nam chữa đau dạ dày   (05/09/2003)
Cảnh báo tác hại của khói thuốc   (04/09/2003)
Phương pháp mới trong điều trị ung thư vú phụ nữ   (03/09/2003)