Một hậu quả không thể tránh khỏi của giảm sinh nhanh và duy trì cải thiện mức tử vong là già hóa dân số. Nhiều nước trong khu vực châu Á hiện đang phải đối mặt với thách thức về số lượng người từ 60 tuổi trở lên ngày càng gia tăng. Năm 2002, cứ 11 người thì có một người trong khu vực ở độ tuổi 60 trở lên. Theo dự báo, vào năm 2050 ở châu Á, cứ 4 người sẽ có 1 người già 60 tuổi …
* Châu Á sẽ có 1,2 tỷ người già
Theo báo báo của tổ chức Dân số LHQ, trong vài thập kỷ qua, mức sinh ở khu vực châu Á và đã giảm nhanh chóng. Nếu như tổng tỷ suất sinh giai đoạn 1950-1955 là 6 con/1phụ nữ thì hiện nay đã giảm xuống còn 2,7 con. Tỷ lệ tử vong giảm một cách bền vững, đã dẫn đến việc tăng dần tuổi thọ từ 40 tuổi lên 66, trong đó tuổi thọ của phụ nữ sẽ cao hơn và tăng nhanh hơn nam giới.
Sự khác biệt trong tiến trình già hóa dân số đó là tốc độ già hóa tại khu vực châu Á diễn ra nhanh hơn so với phương Tây. Chẳng hạn, để tăng gấp đôi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên tại Thụy Điển, từ 7% lên 14% thì phải mất 114 năm. Trong khi đó, đối với Singapore thì chỉ cần 18 năm và đối với nước đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ thì cần 25-28 năm.
Do khu vực châu Á chiếm trên 60% dân số toàn cầu và mức sinh đang giảm nhanh chóng, nên quy mô người cao tuổi (NCT) hiện nay là một quan tâm chủ yếu. Theo LHQ, đến năm 2025, ở châu Á sẽ có 703 triệu NCT và tăng lên 1,2 tỷ người già vào năm 2050. Đây là vấn đề trọng tâm về mặt chính sách quốc gia tại các nước châu Á cũng như ở nước ta trong thế kỷ 21 này.
Mặc dù tốc độ giảm sinh khác nhau, nhưng sẽ không có nước châu Á nào thoát khỏi tình trạng già hóa dân số trong thế kỷ 21. Theo dự báo, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á là 9%. Con số này sẽ tăng lên đến 15,4% vào năm 2025 và 23,5% vào năm 2050. Đến năm 2050, các nước trong khu vực Đông Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á sẽ có tỷ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Sự gia tăng về số NCT sẽ xuất hiện rõ nhất trong 20 năm đầu thế kỷ 21. Năm 2040, nhóm dân số trẻ và nhóm dân số già sẽ gần bằng nhau. Ngoài việc tăng tỷ lệ NCT còn có sự khác biệt về giới trong tuổi thọ, dẫn đến tỷ lệ nữ trong nhóm tuổi từ 80 trở lên cao hơn nhiều so với nam giới. Việc giảm dân số ở độ tuổi lao động, tăng số NCT phụ thuộc vào tình trạng nữ hóa dân số cao tuổi đang là vấn đề nghiêm trọng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm và đề ra các giải pháp cấp bách.
* Giới tính trong già hóa dân số
Do phụ nữ sống lâu hơn nam giới nên ở châu Á dân số già chủ yếu là nữ, đặc biệt là nữ trên 80 tuổi, nhiều người trong số họ sẽ góa chồng, dễ rơi vào hoàn cảnh nghèo và mù chữ hơn nam giới. Mặc dù thể lực yếu hơn nam giới, nhưng phụ nữ vẫn là người quán xuyến việc nhà và tiếp tục kiếm sống mà ít được bảo vệ về mặt xã hội, quyền sở hữu tài sản vẫn yếu hơn nam giới đã làm ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm kinh tế cho họ ở vào tuổi già. Những khác biệt này là do sự hạn chế trong việc tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sự nghèo nàn về dinh dưỡng và nhìn chung là do vị thế kinh tế thấp hơn của phụ nữ ở hầu hết các nước Đông Nam Á.
* Tác động của già hóa dân số
Trong 50 năm qua, chính phủ các nước trong khu vực châu Á đã rất quan tâm đến vấn đề gia tăng dân số, đặc biệt là vấn đề kiểm soát mức sinh, cải thiện tuổi thọ và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em. Do tuổi thọ tăng, các nước bắt đầu nhận thức được tác động của già hóa dân số và đề ra các kế hoạch chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, tạo cơ hội kinh tế cho NCT và tăng cường hệ thống hỗ trợ để xóa bỏ bạo lực và phân biệt đối với NCT, đặc biệt là phụ nữ.
Mặc dù có sự thay đổi trong cấu trúc gia đình, hầu hết các nước châu Á vẫn duy trì truyền thống NCT sống cùng với các thành viên trong gia đình. NCT thường giúp đỡ gia đình con cái các công việc nhà. Tuy nhiên, họ vẫn bị phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ bên ngoài, đặc biệt khi gia đình họ có nguồn thu nhập thấp. Hiện nay chính phủ nước ta đang xây dựng các hệ thống bảo đảm xã hội và an sinh tuổi già.
Tỷ lệ tuổi già ngày càng tăng ở tất cả các nước trong khu vực, nên trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của NCT sống phụ thuộc ngày càng đè nặng lên vai người ở độ tuổi lao động. Tuy vậy, với sự hỗ trợ cần thiết của Chính phủ và xã hội, NCT vẫn có thể có những đóng góp tích cực về mặt kinh tế nếu kinh nghiệm và kỹ năng của họ được khai thác một cách có hiệu quả. Ngoài ra, họ còn là yếu tố kết nối quan trọng trong gia đình khi cấu trúc gia đình đang bị cơ chế thị trường và lối sống công nghiệp xói mòn nhanh chóng. Mặt khác, nếu NCT bị từ chối tiếp cận việc làm khi họ còn đủ sức khỏe, thì nó sẽ có tác động ngược trở lại đến phúc lợi của chính họ và của gia đình họ. Ở góc độ xã hội, lực lượng lao động thu nhỏ và số lượng NCT phụ thuộc tăng lên sẽ có nghĩa là giảm sút về thu nhập tính theo đầu người, tỷ lệ tiết kiệm, đầu từ và năng suất cũng như việc tăng chi tiêu công cho an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi của NCT. Những vấn đề này cần phải được xem xét trong chính sách và các kế hoạch phát triển đất nước.
. Tú Ân
(Theo tài liệu UNFPA) |