Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng huyết cầu tố (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Sau đây là những nguyên nhân, tác hại và cách phòng, chống.
Theo số liệu điều tra trong nước và trên thế giới, thiếu máu dinh dưỡng rất phổ biến, trung bình khoảng 30% dân số thế giới (700-800 triệu người) bị thiếu máu. Những đối tượng hay bị thiếu máu nhất là trẻ em và phụ nữ có thai.
* Nguyên nhân
Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra: do nhiễm ký sinh trùng (giun, sán, sốt rét...), do mất máu, do bệnh lý về huyết sắc tố, do thiếu dinh dưỡng. Nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do lượng sắt cung cấp từ ăn uống không đủ nhu cầu hằng ngày. Lượng sắt thực tế hiện nay của bữa ăn người Việt Nam chỉ đạt khoảng 30 - 50% nhu cầu do vậy, tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở người Việt Nam thường rất cao.
* Tác hại của thiếu máu dinh dưỡng
1 - Làm giảm khả năng lao động: Khi thiếu máu, khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu oxy ở các tổ chức, đặc biệt là tim, cơ bắp, não, gây nên các hiện tượng tim đập mạnh, hoa mắt, chóng mặt, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể nhanh chóng mỏi mệt, giảm khả năng lao động chân tay, trí óc.
2 - Khả năng học tập, phát triển trí tuệ của học sinh bị kém. Thiếu máu làm giảm lượng oxy của tổ chức não và tim, làm trẻ nhanh bị mỏi mệt, hay ngủ gật, khó tập trung tư tưởng, dẫn đến kém tiếp thu bài giảng.
3 - Làm tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con khi sinh nở, dễ bị chảy máu và bị mắc các bệnh nhiễm trùng ở thời kỳ hậu sản.
* Những dấu hiệu nhận biết thiếu máu dinh dưỡng
Với trẻ em: thường có các dấu hiệu da xanh xao, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ thường kém hoạt bát, nếu đã đi học thường học kém, hay buồn ngủ. Dễ bị các bệnh nhiễm trùng.
Ở phụ nữ có thai: thường gặp là da xanh, niêm mạc nhợt, mệt mỏi, khi thiếu máu nặng thường có dấu hiệu chóng mặt, tim đập mạnh.
* Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng
1 - Cải thiện chế độ ăn: đa dạng hóa bữa ăn, ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, nhất là nguồn thức ăn động vật có nhiều sắt như thịt, gan, trứng, tiết...; thức ăn giàu vitamin C như rau quả.
2 - Bổ sung viên sắt cho các đối tượng có nguy cơ cao: Phụ nữ từ 13 tuổi trở lên, cần được uống viên sắt dự phòng, mỗi tuần uống một viên để tạo nguồn sắt dự trữ đầy đủ cho cơ thể. Khi có thai, cần kết hợp ăn uống tốt với uống viên sắt đều đặn, mỗi ngày một viên (60mg sắt) trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh một tháng.
3 - Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ
* Thực phẩm nào giàu sắt?
Có thể chia nguồn sắt trong thức ăn ra làm hai loại chính:
Những thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng... có nhiều sắt và sắt có chất lượng cao, dễ được cơ thể hấp thu và sử dụng. Vì vậy, một chế độ ăn có ít thức ăn động vật thường hay gây thiếu máu.
Những thức ăn nguồn gốc thực vật như ngũ cốc, gạo, ngô, một số loại rau có nhiều chất xơ thường có lượng sắt thấp và sắt chất lượng kém, làm cơ thể khó hấp thu và sử dụng.
. (Theo Thể thao)
|