Người già và trách nhiệm của xã hội
16:25', 30/9/ 2003 (GMT+7)

Theo dự báo của các nhà dân số học trên thế giới, đến năm 2020 trái đất sẽ có khoảng 1 tỷ người cao tuổi (NCT). Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố một bản báo cáo về số người già hiện đang sống trên hành tinh là 540 triệu người từ độ tuổi 60 trở lên. Đội quân "tóc muối tiêu" ngày càng gia tăng đã chứng minh điều kiện sống của con người đang được cải thiện tốt hơn.. .

* Vấn đề NCT

Tại hội nghị ở Cairo năm 1993 đã đưa ra một chương trình hành động dành cho người già. Theo đó, do mức sinh giảm, mức tử vong được hạn chế liên tục đã làm cho số người già hiện nay tăng lên với mức độ kỷ lục. Ở những nước phát triển, cứ khoảng 6 người thì có một người già 60 tuổi. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 4/1 vào năm 2005. Theo các nhà khoa học, phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới, vì vậy họ chiếm phần lớn trong số người già. Tuy nhiên, phụ nữ già ở các nước nghèo cũng thường dễ bị thương tổn nhất. Do tác động kinh tế và xã hội, sự "già hóa dân số" hiện nay vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với tất cả các quốc gia. Nhiều nước hiện nay đang xem xét lại các chính sách của mình theo nguyên tắc: Người già là một nguồn nhân lực có giá trị và quan trọng của xã hội. Khuyến khích sự tự lực của người già để tạo điều kiện cho họ tiếp tục tham gia hoạt động xã hội.

Ở nước ta, ngày 27-9-1995, BCH Trung ương Đảng đã có chỉ thị số 59/CT-TW về chăm sóc NCT. Theo nhận định chung, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng cao. Số người già không ngừng gia tăng về mặt số lượng. Đây là những bậc sinh thành đã có công nuôi dạy con cháu, giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước. Một bộ phận đông đảo NCT Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do vậy chăm sóc và phát huy năng lực của NCT là sự thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và nền đạo đức dân tộc Việt Nam.

* Tình hình phát triển dân số già

Hiện nay, số NCT trên thế giới ngày càng tăng. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, số người già tăng với tốc độ rất nhanh. Bình quân mỗi năm thêm 9,6 triệu người già. Tại các nước phát triển hiện có khoảng 330 triệu người già đang sinh sống. Theo tính toán của các nhà dân số học thế giới, tuổi thọ bình quân của con người vào năm 1950 là 46 tuổi, đến năm 1990 đã tăng lên 64 tuổi và đến năm 2020 sẽ là 72 tuổi. Dự kiến số NCT của thế giới trong 20 năm nữa là 1 tỷ người. Trong đó có 710 triệu người sống ở các nước đang phát triển. Vào 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21, châu Âu sẽ được mệnh danh là "Lục địa già". Mỗi năm lượng người già ở đây tăng khoảng 19%. Mười năm đầu thế kỷ 21 sẽ lên tới 24%/năm. Hiện nay cứ mỗi tháng số người già tăng thêm 800 ngàn người. Dự tính đến năm 2010 con số tăng hàng tháng của NCT sẽ là 1,1 triệu người. Nếu như năm 1990 đã xuất hiện 26 quốc gia có số người già cao nhất thế giới, thì dự báo đến năm 2015 sẽ có ít nhất 55 nước. Bình quân mỗi nước có trên 2 triệu NCT đang sinh sống. Số người già đã không ngừng tăng lên từ hàng thế kỷ nay, nhưng đáng lưu ý là số lượng NCT ở các nước đang phát triển lại tăng nhanh hơn những nước đã phát triển. Theo Cục tổng điều tra Mỹ, Trung tâm nghiên cứu và cơ sở dữ liệu Quốc tế, thì hiện nay châu Âu là khu vực già nhất và châu Phi là lãnh thổ có dân số trẻ nhất thế giới.

Ở nước ta vào năm 2003 số người già từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 10% dân số cả nước. Tất nhiên 90% dân số còn lại thuộc lực lượng dân số trẻ. Số người già từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam hiện nay gần 5 triệu người, trong đó khoảng 1 triệu người thọ từ 75 tuổi trở lên. Tỷ lệ người già sống phụ thuộc vào con cháu là 8,1% đối với người từ 65 tuổi trở lên.

Thụy Điển là nước "già nhất" trên thế giới với tỷ lệ 18% người già trên 65 tuổi. Sau Thụy Điển là 19 quốc gia khác có tỷ lệ người già nhiều nhất thế giới như: Na Uy, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Lucxămbua, Bungari, Hunggari, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản và Mỹ. Tại châu Á, các nước vùng Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản do mức sinh ngày càng giảm nhanh nên tỷ trọng dân số người già từ 65 tuổi trở lên đã và đang tăng 7-14%/năm. Sự già hóa dân số ở các quốc gia Đông Á một mặt là sự biểu hiện chất lượng cuộc sống tại đây được tăng lên, nhưng mặt khác đã vấp phải những khó khăn về chi phí để chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, và sự công bằng giữa các thế hệ như đã từng xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong dân số, các nhóm tuổi khác nhau tăng theo các tỷ lệ khác nhau. Ở nhiều nước, người già nhất khoảng 80 tuổi trở lên là một bộ phận tăng nhanh nhất trong lực lượng dân số già. Vào năm 1999, người trường thọ từ 80 tuổi trở lên chiếm khoảng 15% số người già trên thế giới. Trong khi đó, một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển, các cụ ông, cụ bà 80 tuổi trở lên chiếm đến 1/4 tổng số người già trong cả nước. Hiện nay số lượng "người già nhất" ngày càng tăng, đòi hỏi những nhà quản lý và chính phủ phải quan tâm nhiều hơn về nhóm này, vì những người già nhất thường là đối tượng có nhu cầu cao về dịch vụ sức khỏe và sự chăm sóc mọi mặt. Trước đây các dự báo dân số thường đánh giá thấp tình hình cải thiện tử vong trong số những người già nhất. Nếu các tỷ suất chết giảm với tốc độ nhanh hơn các mô hình dự báo, thì số lượng người già trong tương lai gần sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều.

Trong thế kỷ 21, khái niệm về "người già nhất" sẽ thay đổi, tuy số người già từ 85 tuổi trở lên chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với dân số thế giới, nhưng hiện tại số lượng này đang ngày càng tăng, nhất là ở những nước có nền kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật phát triển.. .

. Tú Ân

(Theo tài liệu của UB dân số TƯ)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng   (29/09/2003)
Mười lời khuyên dành cho người cao tuổi trong việc ăn uống   (28/09/2003)
Dân số hiện nay đang già hóa  (26/09/2003)
Bệnh vàng da trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý   (25/09/2003)
Chú ý khi trẻ con kêu nhức đầu   (24/09/2003)
Tự uống thuốc: lợi hay hại?   (23/09/2003)
Món ăn - bài thuốc cho người bị chấn thương sọ não   (22/09/2003)
Sắc đẹp đến từ giấc ngủ ngon   (21/09/2003)
Phòng bệnh răng miệng trẻ em: Không để quá muộn   (19/09/2003)
Tiến bộ mới trong điều trị bệnh tim   (18/09/2003)
Điều dưỡng và chăm sóc người bệnh  (17/09/2003)
Phòng các chứng đau đầu   (16/09/2003)
Tập thể dục giúp phụ nữ ngăn ngừa ung thư vú   (14/09/2003)
Những điều cần biết để làm mẹ an toàn   (11/09/2003)
Sử dụng thuốc ở trẻ em   (10/09/2003)