Khỉ và đời sống con người
16:48', 6/1/ 2004 (GMT+7)

Chúng ta đang bước vào năm Giáp Thân 2004. Theo âm lịch, cứ 12 năm thành một giáp, mỗi năm của một giáp được biểu hiện bằng một con vật. Đứng đầu giáp là con chuột (Tý), đến con trâu (Sửu), con Hổ (Dần), con mèo (Mão), con rồng (Thìn), con rắn (Tỵ), con ngựa (Ngọ), con dê (Mùi), con khỉ (Thân), con gà (Dậu), con chó (Tuất), con lợn (Hợi)...

Không rõ xuất xứ từ đâu, người châu Á đều mong muốn có con vào năm con rồng (Thìn), và người ta tránh sinh con vào đúng năm con khỉ. Ca dao Việt Nam câu hò rằng:

Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi,

Riêng tôi ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân.

Các nhà in lịch, in thiệp chúc tết vào dịp âm lịch, cũng không ai in hình con khỉ vì một lẽ tế nhị :

Lịch tết năm nay sớm lại nhiều,

Kiểu nào cũng đẹp, giá không siêu,

Năm Thân lịch chẳng in hình khỉ,

E chúc bề trên sẽ lắm điều...

Trong thực tế nhiều người tuổi Thân, nhưng tình trạng sức khỏe và bước đường công danh chẳng thua kém ai, nhất là so sánh với những người tuổi Ngọ (năm ngựa) hoặc tuổi Mùi (năm con dê) như câu ca dao cổ nói trên. Trong khi đó, các nhà khoa học trên thế giới từ lâu vẫn còn tranh cãi xung quanh giả thiết con người có xuất xứ từ một loài khỉ. Nếu khỉ đã là thủy tổ của loài người thì tại sao lại sợ "bị" sinh vào năm mang biểu tượng con khỉ?

Trong giai phẩm "Tây Du Ký", một áng văn chương nổi tiếng tầm cỡ của thế giới, đã được các nhà làm phim Trung Quốc đưa lên màn hình và rất đề cao con khỉ. Trong lĩnh vực y học xuyên suốt lịch sử loài người, ta thấy con khỉ cũng rất được chú ý vì có thể chất gần giống với con người:

Không biết từ bao giờ, nhân dân ta đã biết  nấu cao khỉ dùng làm thuốc chữa bệnh. Có hai loại cao: cao nấu toàn xương khỉ và cao khỉ toàn tính (nấu cả thịt lẫn xương khỉ). Nhân dân dùng cao khỉ làm thuốc bổ, đặc biệt dùng cho phụ nữ. Đó là những điều chúng ta chỉ truyền tụng trong dân gian và chưa thấy có công trình nghiên cứu nào về tính chất công hiệu của cao khỉ. Trong quyển sách Bản thảo cương mục, viết vào năm 1595 và bộ sách Nam dược Thần hiệu của Tuệ Tĩnh, viết trong thế kỷ 17 không thấy nói đến cao khỉ toàn tính, mà chỉ thấy nói đến xương đầu (đầu cốt) của con khỉ, và thịt khỉ có thể làm thuốc trị bịnh cứu người. Ngoài ra trong sách cổ còn ghi vị Hầu táo (khỉ còn có tên là Hầu), còn Hầu tử táo tức là sỏi trong túi mật của con khỉ. Hầu táo có vị đắng, hơi mặn vào các kinh tâm, phế, đờm và gan có khả năng thanh nhiệt, trấn kinh, giải độc, tiêu thũng, tiêu đờm, định suyễn (sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh).

Tuy không thấy ghi trong các sách cổ, nhưng người dân miền núi nước ta có thói quen sử dụng cao khỉ làm dược liệu để chữa bệnh. Người Hoa có món ăn khá đắt tiền và không được nhiều người hưởng ứng đó là món "óc khỉ ". Trong sách kể về "Từ Hy Thái Hậu" của tác giả Mộng Bỉnh Sơn có miêu tả về món ăn này như sau: Món ăn "múc óc khỉ" là món ăn mà Từ Hy thích nhất. Những ai trông thấy cũng phải lắc đầu lè lưỡi và kinh tởm, mặc dù về phương diện dinh dưỡng thì rất bổ cho cơ thể. Muốn có món ăn này, bọn thái giám đã dùng  nước sôi tạt vào đầu một con khỉ. Con khỉ bị nóng, lấy tay gãi tuột hết cả lông đầu, không còn một sợi. Khi đó bọn thái giám liền bắt nhốt con khỉ vào lồng đặt dưới gầm bàn có khoét một lỗ tròn vừa khít để đầu khỉ nhô lên, chúng lấy dao thật bén, vạt ngang óc khỉ, sau đó chúng lấy thìa múc bỏ vào một bát thuốc Bắc sắc sẵn đem dâng cho Thái Hậu dùng...

Trong thời hiện đại, món ăn "dã man" nói trên vẫn còn tồn tại ở một số nơi, nhưng không phổ biến và bị xã hội lên án, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đấu tranh quyết liệt. Tuy vậy trong nghiên cứu y học, loài khỉ vẫn phải chịu "hy sinh" để phục vụ con người. chẳng hạn, thận của khỉ được dùng để cấy vi trùng, và bào chế Vacxin chống bại liệt. Khỉ còn được dùng làm vật thí nghiệm để thử các loại thuốc mới. Nhà bác học Vorônôp đã thử ghép bộ phận sinh dục của khỉ vào người với hy vọng sẽ "cải lão hoàn đồng". Đó là chưa nói đến những con khỉ làm xiếc đã đem lại nụ cười cho con người.

THANH TÂM

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mẹo vặt trong ngày Tết   (05/01/2004)
Tặng quà ngày xuân   (04/01/2004)
10 điều để khỏe đẹp mỗi ngày   (02/01/2004)
5 bước để trở thành cha mẹ tốt   (01/01/2004)
Hãy là người lạc quan  (31/12/2003)
Mẹ làm gì khi con táo bón?  (30/12/2003)
10 quy tắc vàng để có cuộc sống lâu dài hạnh phúc  (29/12/2003)
Bí quyết giữ cân bằng tâm lý  (28/12/2003)
Rối loạn nhịp tim   (26/12/2003)
Ba món ăn – ba bài thuốc hồi xuân cho quý ông   (25/12/2003)
Thực đơn tăng cường miễn dịch  (24/12/2003)
4 điều cần tránh để sống lâu  (23/12/2003)
Giữ ấm mũi họng trong mùa đông  (22/12/2003)
Làn da và biểu hiện sắc đẹp  (21/12/2003)
Những thói quen ăn uống có hại cho da   (19/12/2003)