Ngày nay trẻ em tiếp xúc quá nhiều với phương tiện giải trí nên chúng dễ quên những câu chuyện kể. Thực chất đây là phương pháp cổ xưa nhưng rất hiệu quả để hình thành nhân cách, đức tính cho trẻ, vì thế bố mẹ càng quan tâm kể chuyện cho con nghe hơn.
* Kể chuyện giúp con phân biệt tốt xấu
Đối với trẻ con có 2 loại sự việc: hoặc dễ chịu như được âu yếm, được cho quà. .. hoặc khó chịu như phải bị chích thuốc, không được "quậy"... Cách tiếp nhận đó làm nhầm lẫn cái xấu và cái tốt. Và như vậy những câu chuyện kể cho trẻ con rất cần thiết để chúng phân biệt những điều hay - dở, tốt - xấu, tự hình thành nhân cách. Khoảng 2 tuổi trẻ phán đoán sự việc qua thái độ của cha mẹ.
* Chuyện kể giúp trẻ khôn ngoan hơn
Nhưng đến 3 tuổi dù chưa nói rành chúng cũng tìm cách giải thích để hiểu sự việc. Cho nên giai đoạn này, các câu chuyện đóng vai trò giúp trẻ dựa vào đó để trở thành ngoan hơn. Khi nói với con: "Cha, mẹ đi vắng mấy ngày, con phải ở nhà với cô", tất nhiên trẻ sẽ hoảng sợ, lo lắng. Để trấn an trẻ, cần kể những câu chuyện về những nhân vật hoặc thú vật can đảm, biết đóng cửa giữ nhà, không đi lang thang, chờ cha mẹ đi làm để mang thức ăn, quà bánh. ..
* Hình thành các tính tốt
Trẻ từ 3-5 tuổi thường thích các chuyện về thú vật vì dễ hiểu, dễ thấy, cụ thể. Nếu bạn bắt đầu câu chuyện bằng: hoàng tử, công chúa, mụ phù thủy. .. thì trẻ thường liên hệ ngay các nhân vật với chính mình: ta sẽ làm như vậy hoặc không làm như vậy. Trong câu chuyện ta ca ngợi những đức tính: can đảm, biết giúp đỡ người khác, siêng năng... Các tính xấu như làm biếng nên không có gì ăn, dữ dằn thì không ai thèm chơi... từ đó trẻ sẽ tự điều chỉnh mình. Đến khoảng 6 tuổi thì trẻ hiểu vì sao phải chiến đấu chống kẻ ác và nếu cái tốt lại hơi thô thiển, cái xấu được che giấu bằng sự trìu mến thì trẻ cũng hiểu được ngay (chuyện Tấm Cám; Cây tre trăm đốt; Bạch Tuyết và 7 chú lùn. ..). Và trẻ sẽ tự chế ngự những tật xấu như nói láo, ích kỷ. ..
Như vậy những câu chuyện kể được chọn lọc sẽ rất quan trọng để trẻ tự trang bị tư tưởng, tính cách sẵn sàng để sống cuộc sống của chính mình. Các bậc cha mẹ nên trang bị một "kho" chuyện kể vì trẻ con nào cũng thích nghe kể chuyện; và cũng cần cho trẻ thấy "ông kẹ" thì trẻ mới chịu. .. ngoan.
THANH TÂM |