Năm Thân... nhận họ với khỉ
16:44', 12/1/ 2004 (GMT+7)

Cách đây khoảng 5 triệu năm, người và khỉ có cùng chung một nguồn gốc. Và từ đó đến nay, hai chi (cành) lớn trên cây hệ gia phả động vật đã phát triển song song nhưng không đồng đều: loài người thì dân số ngày càng đông, trong khi loài khỉ thì ngược lại, có nguy cơ bị diệt chủng vì nạn phá rừng và săn bắt. Người với khỉ quả thật cùng một huyết thống vì 85% chúng ta cùng nhóm máu với khỉ Macacus Rhesus.

* Những điểm khỉ hơn người

Người và khỉ quả thật giống nhau ở một số điểm cơ bản! Chẳng hạn não của khỉ phát triển hơn hẳn các động vật khác, có chăng thì chỉ thua mỗi con người. Người ta đã tiến hành nhiều trắc nghiệm về trí thông minh của con khỉ, kết quả cho thấy nhất là về mặt trí nhớ, khỉ đạt điểm rất cao. Bàn tay khỉ có khả năng cầm, nắm khéo hơn cả con người, đặc biệt từ khi mới sinh ra khỉ đã sử dụng được ngón cái và ngón trỏ tựa như một cái kềm - điều mà con người chỉ từ 9 tháng tuổi trở đi mới thực hiện được. Bàn chân khỉ cũng cầm nắm được, chẳng thua bàn tay là bao. Trong khi con người chẳng may nếu mất hay liệt tay, phải nỗ lực kỳ công lắm mới sử dụng được đôi chân để thay thế!

Nói tóm lại, về mặt khéo tay... lẫn chân thì khỉ hơn người đứt đuôi! Mà nói về đuôi, giống khỉ nào có đuôi dài thì chính bộ phận này còn có khả năng quấn, giữ giúp khỉ đu từ cành cây nọ qua cành cây kia một cách dễ dàng, vì thế ai cũng phải công nhận khỉ có năng khiếu tự nhiên làm xiếc hơn hẳn loài người.

Về mặt nề nếp ăn ở, sinh sống, khỉ cũng tổ chức thành từng nhóm có tôn ti trật tự, đứng đầu bao giờ cũng là một loài đực, có sức mạnh và bản lĩnh nhất.

Đọc qua từ điển ở mục khỉ, ta thấy nào là có khỉ bông (vì lông xù như bông), khỉ đầu chó, khỉ độc, khỉ đuôi, khỉ mũ (có lông dài trên đầu như đội mũ lông), khỉ mũi (có mũi rộng và to), khỉ nhện, khỉ xồm (có "râu" dài ở cằm) và khỉ hú (nghe đâu loài này được đưa vào sách Guinness về hơi dài và giọng tốt, thét to cách xa 16 km cũng nghe thấy).

Các nhà nghiên cứu về môn xã hội sinh vật học (Sociobiology) nhận thấy rằng loài khỉ - cũng như loài người - tuân thủ rất nghiêm ngặt sự đối kỵ về vấn đề loạn luân và có lòng vị tha rất cao, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ con cái. Khỉ còn có một đặc điểm khiến chúng ta phải suy nghĩ: đó là lòng chung thủy giữa vợ chồng, và khi sinh con thì luôn luôn chỉ duy nhất một con...

* Khỉ và những đóng góp cho khoa học

Ngoài những đóng góp cho bộ môn sinh học nói chung, loài khỉ còn có công đặc biệt với con người vì nó có nhiều điểm giống chúng ta. Thí nghiệm trên chuột, bọ, trên chó hay trên thỏ dù hiệu quả đến đâu chăng nữa, nhưng muốn suy từ đó để áp dụng cho con người, bao giờ đến giai đoạn chót, các nhà khoa học cũng phải trông cậy vào khỉ để xác nhận tính khả thi. Chỉ riêng ở Mỹ, người ta ước tính mỗi năm phải nhập khoảng hai trăm ngàn con khỉ để dùng riêng cho các nghiên cứu khoa học. Vaccin Sabin giúp xóa bỏ được bệnh bại liệt trên toàn cầu, trước đó cũng đã phải thử nghiệm thành công trên khỉ mới dám sử dụng cho người. Và ngay cả bệnh AIDS đang là mối đại họa của nhân loại cũng đang phải nhờ đến những thí nghiệm trên khỉ rồi mới thử trên người vì một lý do đặc biệt: Người ta khám phá ra loài khỉ xanh Châu phi có chứa trong máu một loại virus có "họ hàng" với siêu vi HIV!

Riêng đối với ngành Y học cổ truyền Việt Nam, khỉ cho ta những loại thuốc sau đây:

1. Cao hầu (hầu có nghĩa là khỉ) nấu bằng xương khỉ, chuyên trị "kém ăn, kém ngủ, thiếu máu... và đổ mồ hôi trộm", theo quan điểm tây y thì chính là những triệu chứng của bệnh còi xương.

2. Cao khỉ toàn tính, nấu bằng toàn bộ cả xương lẫn thịt, có tác dụng bổ dưỡng cơ thể rất tốt.

3. Hầu táo, tức sỏi trong túi mật của khỉ có khả năng thanh nhiệt trấn kinh, giải độc, tiêu thũng, tiêu đờm định suyễn.

Còn nói về món óc khỉ ăn ngay khi con vật đang còn sống (ngay dưới gầm bàn tiệc) quả là một thú vui tàn bạo và chẳng ai dám bắt chước.

. Theo Sức khỏe và Đời sống

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Căn nhà đón Tết  (11/01/2004)
Nghệ thuật kể chuyện cho con  (09/01/2004)
Nguồn gốc của những phong tục trong đám cưới   (08/01/2004)
Ảnh hưởng của bia, rượu đến tác dụng của thuốc   (07/01/2004)
Khỉ và đời sống con người  (06/01/2004)
Mẹo vặt trong ngày Tết   (05/01/2004)
Tặng quà ngày xuân   (04/01/2004)
10 điều để khỏe đẹp mỗi ngày   (02/01/2004)
5 bước để trở thành cha mẹ tốt   (01/01/2004)
Hãy là người lạc quan  (31/12/2003)
Mẹ làm gì khi con táo bón?  (30/12/2003)
10 quy tắc vàng để có cuộc sống lâu dài hạnh phúc  (29/12/2003)
Bí quyết giữ cân bằng tâm lý  (28/12/2003)
Rối loạn nhịp tim   (26/12/2003)
Ba món ăn – ba bài thuốc hồi xuân cho quý ông   (25/12/2003)