Báo động nạn thanh thiếu niên nghiện thuốc lá
17:12', 14/1/ 2004 (GMT+7)

Tình trạng thanh thiếu niên nghiện hút thuốc lá ngày càng trầm trọng hơn, không chỉ trong giới học sinh, sinh viên mà còn xuất hiện ở những trẻ em đường phố. Xin được nói ngay, vấn đề chúng tôi muốn đề cập là thanh thiếu niên nghiện thuốc lá chứ không chỉ là hút thuốc lá đơn thuần nữa.

* 1.001 lý do đốt thuốc

Không biết tự khi nào, Tuấn - cậu bé đánh giày quê ở Tuy Phước đã nghiện thuốc lá. Buổi sáng, ngay sau khi thức dậy Tuấn châm ngay điếu thuốc. Sau đó mới đến làm vệ sinh cá nhân, sau đó ôm vội bộ đồ nghề đánh giày đi ra phố. Tuấn cho biết, em có "thói quen" này từ khi còn ở chung với mấy đứa bạn cùng hoàn cảnh với mình. Lúc đầu, sau khi đi làm về, cả nhóm tò mò cầm điếu thuốc bập phà chơi. Bập phà được vài tháng như thế, Tuấn cũng nghiện thuốc lá lúc nào không hay.

* Tỷ lệ người hút thuốc lá tại Bình Định 26,8%; trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ 26,1%; nữ giới chiếm tỷ lệ 0,7%. Tỷ lệ hút thuốc lá theo giới: nam, 50,1%; nữ, 1,4%.

* Tỷ lệ hút thuốc lá theo tuổi: dưới 15 tuổi là 7,5%; tỷ lệ người bắt đầu hút thuốc nhiều nhất ở độ tuổi từ 16-20 tuổi.

* 82,3% số người có thời gian hút thuốc lá trên 5 năm và 27,4% số người có thời gian hút thuốc lá trên 25 năm.

* Trung bình mỗi ngày người hút thuốc lá ở Bình Định đốt 11 điếu.

* Chỉ có 48% cán bộ, sinh viên chấp hành qui định cấm hút thuốc lá nơi làm việc.

(Theo "Nghiên cứu thực trạng hút thuốc lá và đề xuất giải pháp phòng chống tại Bình Định". Bác sĩ Nguyễn Văn Cang và cộng sự thực hiện)

Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nghiện thuốc lá không còn là chuyện lạ nữa. Hầu như ai cũng có thể tìm thấy hình ảnh học sinh, sinh viên ngồi phì phèo thuốc lá trong những quán cà phê, trong những tụ điểm bi da, ngay trước cổng trường những gần đến giờ học hoặc lúc tan trường. H. - học sinh lớp 11 - Trường THPT Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn), vốn dĩ là một học sinh ngoan hiền. Năm học lớp 10, H. là một học sinh khá. Nhưng kể từ khi cha mẹ H. lập doanh nghiệp tư nhân, thời gian dành cho con cái ít đi cũng là lúc H. biết... bỏ giờ, uống cà phê và hút thuốc lá. Ban đầu, H. cùng bạn bè hút thử vài điếu chơi. Cái cảm giác đắng ngắt, cay cay, hôi hôi dần tan biến kể từ khi H. nghiện thuốc lá. H. cho biết: "Có hôm đang ngồi hút thuốc trên gác, bất thình lình mẹ lên, không biết vứt đi đâu, H. đành cho vội vào túi quần. Mẹ không phát hiện được nhưng ngược lại thì túi quần... cháy một lỗ to. Còn với giới sinh viên, thuốc lá lại là một chuyện rất ư bình thường (?). Nhiều bạn sinh viên hút thuốc lá vì muốn chứng tỏ mình là người... lớn. Hùng - sinh viên năm 3  - Đại học Quy Nhơn, cho biết: "Khi còn là học sinh phổ thông, còn ngại thầy cô, cha mẹ chứ đã là người lớn, đã là sinh viên thì đôi khi điếu thuốc còn làm cho mình bình tĩnh hơn khi đối diện với... bạn gái. Và dường như những lúc học bài mà có điếu thuốc thì học cũng dễ "vào" hơn." 

Những đóm đỏ điếu thuốc lá còn xuất hiện trên những đôi môi đỏ xinh đẹp. Tình trạng thanh thiếu nữ hút thuốc lá không chỉ xuất hiện ở những quán karaoke mà còn ngay cả những quán cà phê, vũ trường và quán bar ở Quy Nhơn. Chủ yếu những thiếu nữ hút thuốc lá này là những tiếp viên của các quán karaoke, các điểm massage và những cô gái nhà giàu thích ăn chơi.

* Những ẩn họa

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cang - Phó Giám đốc Sở Y tế - Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu thực trạng hút thuốc lá và đề xuất giải pháp phòng chống tại Bình Định", hút thuốc lá không chỉ gây ra các bệnh, triệu chứng về viêm nhiễm đường hô hấp mà còn gây nên các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi; ung thư miệng, lưỡi, thanh quản, thực quản, bàng quang; làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thai chết lưu, giảm cân nặng trẻ sơ sinh, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại biên và nhiều bệnh khác...

Không chỉ thế, thuốc lá còn ảnh hưởng đến tài chính, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Các thiếu niên kiếm sống bằng nghề đánh giày, bán báo, bán vé số thì dành những đồng tiền lời ít ỏi kiếm được để mua thuốc lá. Học sinh, sinh viên thì hút thuốc lá bằng những đồng tiền ăn sáng hoặc tiền tháng gia đình chu cấp. Bà Nguyễn Thị Nhàn - KV2 - phường Trần Phú (Quy Nhơn), than thở: "Từ ngày thằng nhỏ nghiện hút thuốc lá tôi thấy nó ốm đi nhiều. Mình có biết gì đâu, cho tiền nó ăn sáng, chi tiêu hàng ngày nó đem nướng hết cả vào thuốc lá. Cũng từ đó, bạn bè rủ rê nhau ngồi quán suốt ngày, bỏ bê cả học hành. Cũng may mà mình phát hiện sớm... "

Một nguy cơ tiềm ẩn nữa đối với thanh thiếu niên nghiện thuốc lá là ma túy. Mặc dù ở Bình Định, tình trạng ma túy trong học đường chưa phổ biến như ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang... nhưng tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá bị các đối tượng xấu dụ dỗ sử dụng ma túy có ai dám khẳng định là không xảy ra với Bình Định?

Không ai có thể đo lường hết được những tác hại do thuốc lá gây ra, đặc biệt đối với đối tượng thanh thiếu niên. Bởi vậy, ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá trong thanh thiếu niên là việc làm cấp bách của mọi gia đình và xã hội trước khi những hiểm họa lớn có thể xảy ra.

LÊ ANH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
6 bí quyết trẻ lâu   (13/01/2004)
Năm Thân... nhận họ với khỉ  (12/01/2004)
Căn nhà đón Tết  (11/01/2004)
Nghệ thuật kể chuyện cho con  (09/01/2004)
Nguồn gốc của những phong tục trong đám cưới   (08/01/2004)
Ảnh hưởng của bia, rượu đến tác dụng của thuốc   (07/01/2004)
Khỉ và đời sống con người  (06/01/2004)
Mẹo vặt trong ngày Tết   (05/01/2004)
Tặng quà ngày xuân   (04/01/2004)
10 điều để khỏe đẹp mỗi ngày   (02/01/2004)
5 bước để trở thành cha mẹ tốt   (01/01/2004)
Hãy là người lạc quan  (31/12/2003)
Mẹ làm gì khi con táo bón?  (30/12/2003)
10 quy tắc vàng để có cuộc sống lâu dài hạnh phúc  (29/12/2003)
Bí quyết giữ cân bằng tâm lý  (28/12/2003)