Loài khỉ là kho thuốc Nam
16:27', 15/1/ 2004 (GMT+7)

Các nhà khoa học đã ghi nhận khỉ ăn khoảng 198 loài cây, trái khác nhau. Trong đó đáng chú ý là loài cây Aspilia. Đó là cây mọc trên đồng cỏ thuộc loại hoa tán. Thái độ của những con khỉ đối với loài cây này khá lạ. Trên các đồng cỏ ở Tandania, khỉ không bao giờ phá phách loại cây này…

Trong vòng 30 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã quan sát các con khỉ từ một vài tuổi đến những con khỉ già tìm đến cây Aspilia và ăn những lá non, mặc dù có khi những cây này ở rất xa những nơi chúng thường đi kiếm ăn quen thuộc. Các con khỉ ở vườn quốc gia Gombi ăn lá cây Aspilia vào buổi sáng sớm và chọn loài cây màu đỏ có nhiều lông tơ. Còn những con khỉ ở Mekhâyle thì ăn ở bất cứ giờ nào trong ngày và ăn loài Aspilia Môdămbic. Các con khỉ hoàn toàn không đụng tới hai loài Aspilia khác.

Một nhà nhân chủng học Mỹ nhận xét: Thông thường khi gặp lá cây ăn được thì con khỉ liền tống đầy vào mồm và nhai nuốt ngay. Nhưng ở cả hai vườn quốc gia, các con khỉ lựa chọn lá Aspilia rất cẩn trọng. Chúng dùng môi lướt trên lá vài giây và có khi bỏ lại không ăn lá đó. Khi gặp lá thích hợp, chúng vo tròn lá cho vào miệng và nuốt chửng xong mới đi tìm lá khác. Thông thường khỉ ăn rất nhanh, cứ một phút chúng có thể ăn được 44 lá đối với những cây non, nhưng đối với Aspilia chúng chỉ ăn được tối đa 5 lá.

Các nhà động vật học chưa rõ khỉ ăn lá Aspilia để làm gì? Có thể đó là một món gia vị để tăng sự ngon miệng. Nhưng cũng không phải. Có thể nó là một loại ma túy. Ông Rangheen đã thử dùng lá này nhưng không thấy tác dụng gì cả.

Hóa ra, nhân dân ở vùng nầy đã quen sử dụng rộng rãi lá Aspilia để chữa bệnh. Họ chỉ dùng những loài mà khỉ đã dùng và không đụng đến hai loài mà khỉ chừa ra. Người ta hái lá, sau đó vắt lấy nước để chữa lành các vết thương, vết bỏng, các bệnh ngoài da, hoặc đau bụng giun.

Những nghiên cứu tiếp theo cho thấy trong lá Aspilia có chứa chất kháng sinh Tiarubrin-A với nồng độ cao. Đó là chất có màu đỏ rực rỡ. Trước đó chất này được tìm thấy trong rễ cây Henactica Duglaca thuộc họ hoa Tán. Thổ dân Canada dùng rễ Henactica để chữa các vết thương. Điều đáng chú ý là các con khỉ và cư dân châu Phi chỉ dùng các lá còn non, vì chúng có nhiều chất kháng sinh hơn. Mặt khác các con khỉ chỉ ăn lá này vào trước lúc bình minh, vì lúc ấy chúng có tác dụng chữa bệnh cao nhất. Có nghĩa là hàm lượng chất kháng sinh trong lá Aspilia thay đổi theo thời gian trong ngày.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy chất Tiarubrin-A có tác dụng diệt nấm và diệt trùng cao, ở nồng độ thấp nó đã có tác dụng tiêu diệt đối với nhiều loại giun. Nó cũng có tác dụng diệt vi khuẩn và diệt virus. Trong phòng thí nghiệm chúng có tác dụng chống ung thư mạnh hơn so với chất vinblastin. Các nhà khoa học còn nhận thấy khỉ ở Tandania còn sử dụng một số loài cây thuốc khác. Thí dụ cây Lippia, là loại cây bụi. Người ta quan sát thấy khỉ cái nhai nuốt lá cây này. Cư dân địa phương cũng nghiền nát lá Lippia để nấu nước uống chống đau dạ dày. Ở một số nơi khác thuộc châu Phi, cư dân đã dùng một loài Lippia khác để chữa kiết lỵ và sốt rét. Phân tích cho thấy trong lá các loài cây này có chứa một số chất Monotecpen, có hoạt tính kháng sinh.

Một con khỉ cái ốm đã dùng cây Vernonia làm thuốc. Đó là một loài cây dại. Cư dân ở vùng châu Phi xích đạo đã dùng cây này làm thuốc kháng sinh. Phân tích cho thấy trong cây Vernonia có nhiều chất kháng sinh và chống virus, ngoài ra còn có các chất nâng cao khả năng miễn dịch bảo vệ cơ thể. Người ta đã mô tả một trường hợp tự chữa khỏi bệnh của con khỉ cái. Nó rất chậm chạp, yếu đuối do bệnh nhiễm khuẩn. Nó bỏ qua tất cả những cành cây mỡ màng, ngon lành để đến hút nhựa đắng của rễ cây Vernonia. Nó không ăn tất cả rễ mà chỉ hút lấy nhựa rồi nhả bã ra. Sau đó leo lên tổ trên cây. Chỉ một ngày sau con khỉ ốm đã hoạt động nhanh nhẹn như các con khỉ khác trong bầy.

Ở Uganda và Tandania, khỉ cũng ăn một loại lá rất cứng của dây leo commelina. Trong lá cây này có chất Tanin và mủ. Cư dân địa phương đã dùng lá này để chữa sốt, đau nhức và cầm máu.

Các nhà khoa học đã lên được danh sách gồm 27 loài cây mà khỉ đã ăn không phải vì đói. Nhưng tại sao khỉ lại có khả năng chọn đúng cây để làm thuốc? Tại sao khỉ cái ở Gombi lại ăn lá Aspilia 3 lần nhiều hơn khỉ đực? Các chất hữu hiệu ở những cây này có tác động độc lập hay là hiệu quả của chúng được các chất khác trong cây làm cho tăng thêm? Những câu hỏi đang dành cho các nhà khoa học giải đáp.

THANH TÂM

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Báo động nạn thanh thiếu niên nghiện thuốc lá  (14/01/2004)
6 bí quyết trẻ lâu   (13/01/2004)
Năm Thân... nhận họ với khỉ  (12/01/2004)
Căn nhà đón Tết  (11/01/2004)
Nghệ thuật kể chuyện cho con  (09/01/2004)
Nguồn gốc của những phong tục trong đám cưới   (08/01/2004)
Ảnh hưởng của bia, rượu đến tác dụng của thuốc   (07/01/2004)
Khỉ và đời sống con người  (06/01/2004)
Mẹo vặt trong ngày Tết   (05/01/2004)
Tặng quà ngày xuân   (04/01/2004)
10 điều để khỏe đẹp mỗi ngày   (02/01/2004)
5 bước để trở thành cha mẹ tốt   (01/01/2004)
Hãy là người lạc quan  (31/12/2003)
Mẹ làm gì khi con táo bón?  (30/12/2003)
10 quy tắc vàng để có cuộc sống lâu dài hạnh phúc  (29/12/2003)