Khác với mọi năm, vào những ngày giáp Tết này, tôi thấy bà Tư - hàng xóm của gia đình tôi - có vẻ vui lắm. Từ sáng đến tối, bà luôn tất bật với công việc. Nào là làm dưa kiệu, dưa cải; làm các loại bánh mứt truyền thống; giặt giũ chăn màn, thay mấy cái rèm cửa sổ mới; mua gạo nếp, lá chuối, mấy khúc củi gộc và mượn ở đâu về cái nồi to đùng để chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét. Thấy vậy, tôi nói đùa:
- Chà, nhà bác Tư năm nay ăn Tết lớn hén?
- Ừ, mấy đứa con của bác đã thông báo trước rằng Tết này gia đình tụi nó về đủ cả, nên bác mới lo cho đầy đủ để tụi nó ăn Tết. Mấy năm trước, kinh tế của tụi nó còn khó khăn nên chẳng đứa nào về. Vợ chồng già, chỉ lo sơ sài cho qua mấy ngày Tết, chứ buồn lắm cháu à. Tết năm nay gia đình bác được sum họp, mừng lắm! - Bác Tư vui vẻ trả lời tôi như vậy rồi lại quay vào với công việc của bác.
Thấy bác Tư vui, tôi cũng vui lây với bác. Nhưng rồi nghĩ lại mình thì chợt buồn. Tôi cũng như những người con của bác Tư, đi làm ăn sinh sống xa quê, ít khi có dịp về thăm. Tôi nghĩ đến cha mẹ tôi, cũng đã cao tuổi, cũng với tâm trạng như vợ chồng bác Tư, năm hết Tết đến, luôn mong ngóng đứa con xa trở về sum họp với gia đình trong những giờ phút thiêng liêng nhất… Bỗng dưng tôi nhớ đến mấy câu thơ của một tác giả nào đó:
Lặng lẽ hát khúc giao mùa chim én
Bên dòng sông còn chở nặng phù sa
Từ xa xứ ruổi rong nơi đất lạ
Trong chiêm bao thổn thức gọi quê nhà…
và cảm thấy nó giống với tâm trạng của mình xiết bao. Quanh năm suốt tháng, bị cuốn vào công việc bộn bề, tôi ít có thời gian nghĩ đến cha mẹ, người thân, và quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để rồi bây giờ, khi Tết đã đến sau lưng, nỗi nhớ quê chợt trào dâng da diết!
Trong cảm xúc nỗi niềm riêng, tôi đã có một quyết định thật nhanh chóng: mình sẽ đưa vợ con về quê ăn Tết. Tự dưng tôi cảm thấy nôn nao khi nghĩ đến cụm từ: về quê ăn Tết!
Buổi chiều, khi vợ tôi đi làm về, trong bữa cơm tôi bày tỏ ý định cả nhà sẽ về quê ăn Tết. Vợ tôi hưởng ứng liền, nhưng rồi lại bày tỏ nỗi lo: "Mình về quê mấy ngày Tết thì biết cậy nhờ ai trông chừng nhà. Dù của nả không là bao nhưng đó là công sức gầy dựng biết bao năm của hai vợ chồng". Tôi chợt nẩy ra sáng kiến: con cái bác Tư năm nay về đông, nhà bác cũng chẳng rộng cho lắm, ban đêm bác chia bớt sang bên nhà mình mà ngủ… Thế là tôi "tót" ngay sang trình bày suy nghĩ của mình với vợ chồng bác Tư. Hai bác cười vui: "Ô kê liền, thế là "nhất cử lưỡng tiện"! Nhưng dù gia đình mấy đứa nó không về thì hai bác cũng chia ra mỗi người ngủ một nhà, để vợ chồng cháu yên tâm về quê ăn Tết!". Ôi! Quý hóa thay tình nghĩa láng giềng! Nghĩ đến niềm vui của cha mẹ tôi khi thấy vợ chồng con cái tôi về thăm, tôi bồi hồi hình dung ra những gương mặt rạng rỡ của người thân và miên man trong niềm hạnh phúc dạt dào.
THÚY VI
|