Mùa xuân với bách niên đại thụ
20:12', 24/1/ 2004 (GMT+7)

Hiện diện vào cuối thế kỷ 19, những danh kiểng ghi trên cơ thể dấu ấn thời gian và dòng biến thiên lịch sử trong văn hóa gia tộc đã không còn nhiều ở Bình Định. Vận tốc của thời đại kỹ thuật số cùng sự chi phối của các giá trị kinh tế đã buộc nhiều cội danh kiểng phải ly hương... Số còn lại tuy ít ỏi vẫn cố nhắn gửi cho đời sau một nét hoành tráng khi vạn vật bừng dậy lúc xuân về.

* Cây bồ đề họ Khổng

Cụ K.M. thời còn vị thành niên đã sớm theo nghề buôn bán. Trên nhiều miền đất mà cụ qua lại, Phan Thiết là nơi có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Chàng trai trẻ của những năm đầu thế kỷ 20 ấy đã đem về quê hương mình từ xứ sở những mùa cá bội thu một cây bồ đề trồng chậu mang đậm phong vị kiểng cổ. Trên chiếc chậu sành nhỏ hình lục giác với nét hoa văn của gốm Chiêm Thành, cây lớn chậm nhưng chậu đã nứt từ lâu, nhiều chỗ trám xi-măng, rễ cây nhểu xuống ngoằn ngoèo ôm bọc như muốn tạo nên một cái chậu mới trong tầm nhìn phá thể!

Có lần cụ tâm sự: "Những kỷ niệm cũ bao giờ cũng đẹp mộc mạc và lóng lánh như một giấc mơ ngủ quên… Tôi không muốn thay chậu. Tôi yêu thích nên uốn sửa cây thành hình con lân, với đôi mắt huyền thoại. Điều ấy luôn cho tôi xúc cảm tràn đầy hạnh phúc khi có những cơn mưa nhẹ hạt đọng trên những chiếc lá lớn. "Ông" có hiểu được không?.. Vậy thì làm sao mà bán cho người khác được"… Cụ đã ở bên kia trời xanh từ nhiều năm qua, bên này mùa xuân vẫn đến. Đêm giao thừa, cội bồ đề cùng cháu nội, cháu ngoại của đại gia đình cụ reo mừng đón tuổi. Như vẫn hằng tồn tại một tiếng nói riêng biệt, trong thẳm sâu ký ức truyền lưu.

* Cây me thế hệ thứ tư

Anh Huỳnh Thanh Trừng, ở thôn Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước kể lại: "Cây me này do ông nội trồng. Lưu lại cho cha tôi. Rồi cha tôi để lại cho chúng tôi bây giờ. Sinh thời ông rất quý nó…". Ngập ngừng giây lát, anh nói tiếp: "Thú thật, anh em tôi muốn bán món gia bảo này để có một món tiền lớn có thể sửa chữa căn nhà thờ đã quá cũ kỹ. Đau lắm chứ, mỗi lần nhìn thấy những đứa trẻ, con cháu của mình múc từng gáo nước nhỏ tưới lên gốc cây già nua là cảm thấy xót xa…

Tôi chợt bùi ngùi, giá như có phép màu biến căn nhà xuống cấp của họ Huỳnh trở nên khang trang, đàng hoàng hơn. Và cây me cao 2 mét phủ dấu trăm năm trên cơ thể sần sùi gấp khúc kia vẫn luôn còn trong tuổi thơ anh, rồi lưu lại cho thế hệ đời sau.

* Sừng sững một lão mai

Xin được giới thiệu một loài cây đặc thù của miền Trung nữa, thuộc hàng bách niên giai lão, mà Bình Định là nơi không thể không nhắc đến. Đó là cây mai. Vì những cội mai già cuối cùng như cây mai 150 tuổi ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ) đã phải lên đường hành phương nam hồi giữa năm 2001, nên mai trăm tuổi trồng chậu bản quán Bình Định được ghi nhận là không còn nữa.

Vì thế cội cổ mai của nhà họ Phạm ở thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân được tôn vinh như nguyên soái không chịu khuất phục. Từ lâu cây mai này sống và ngạo nghễ vươn lên giữa trời (cây mai này cao hơn 5 mét) một phần nhờ xương da chắc chắn, phần kia có lẽ vì... khí ngạo nên cứ xuân về là lại trổ bông. Như bao mùa xuân đã qua rồi đến trong biến thiên ảo diệu của cõi tồn sinh, cổ thụ mai ở Ân Tín năm nay cũng sẽ đem đến cho người dân xứ này một mùa bông rộ nở và kéo dài. Mà những cánh mai vàng rơi quanh gốc rồi cũng sẽ dày lên hàng centimét, thành cái "nia tròn" màu hoàng kim trên mặt đất Mẹ với đường kính nhiều mét. Như cây đã hằng hiến tuôn nhựa sống cho đời, mỗi năm.

Chỉ riêng với một chuyện vượt lên trên sự hữu hạn thường thấy ở đời cây, kiếp hoa những cội kiểng cổ thụ kể trên quả thật đã là một điều kỳ diệu.

TRẦN HOÀNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Truyền thống 10 ngon  (21/01/2004)
Ngày Tết nói chuyện yến sào   (19/01/2004)
Đi chúc Tết  (18/01/2004)
Gương mặt mùa xuân   (16/01/2004)
Loài khỉ là kho thuốc Nam   (15/01/2004)
Báo động nạn thanh thiếu niên nghiện thuốc lá  (14/01/2004)
6 bí quyết trẻ lâu   (13/01/2004)
Năm Thân... nhận họ với khỉ  (12/01/2004)
Căn nhà đón Tết  (11/01/2004)
Nghệ thuật kể chuyện cho con  (09/01/2004)
Nguồn gốc của những phong tục trong đám cưới   (08/01/2004)
Ảnh hưởng của bia, rượu đến tác dụng của thuốc   (07/01/2004)
Khỉ và đời sống con người  (06/01/2004)
Mẹo vặt trong ngày Tết   (05/01/2004)
Tặng quà ngày xuân   (04/01/2004)