Theo truyền thuyết thì bánh chưng có từ thời vua Hùng Vương thứ 8, do Hoàng tử Lang Liêu làm theo lời chỉ dẫn trong mộng của thần phật. Bánh chưng gồm có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ướp tiêu hành được gói trong lá dong theo đúng ý nghĩa "tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong" tượng trưng cho đất đai tươi xanh, có rừng cây và các loài động vật sinh sống… Bánh chưng được ninh đủ 24 giờ, nén kỹ cho bánh, là thứ lương thực để ăn dần trong mấy ngày Tết. Thế nhưng, ít người biết đến tác dụng chữa bệnh của nó.
Loại lá duy nhất để gói bánh chưng là lá dong. Lá dong rửa sạch, lau khô gói bánh thì bánh không bị thiu, nhớt. Lá dong còn có tác dụng giải độc, nhất là rượu. Gạo nếp có tính mềm, dính dẻo, trong hạt gạo nếp có chứa nhiều chất keo nên ăn đồ nếp thường khó tiêu hóa. Tuy nhiên, gạo nếp còn có có tác dụng ích khí bổ phế tỳ vị, chống toát mồ hôi và mồ hôi trộm. Đỗ xanh có vị bùi, béo, là một trong những loại hạt chứa nhiều chất đạm thực vật nhất. Trong đậu xanh còn có chất Arginin, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa tạo thành Nio (Ôxít Nitric) nội sinh vừa có tác dụng chống dị ứng, vừa phòng được bệnh tim mạch, nhất là với bệnh suy mạch vành. Nio còn tham gia ổn định chất sắt nội thể. Sắt nội thể là một yếu tố quan trọng cấu thành huyết cầu tố Hemoglobin của hồng huyết cầu - phương tiện vận tải oxy.
Hạt tiêu vị cay, tính ôn nhiệt, có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ thấp, trị đau, diệt trùng. Hạt tiêu còn có tác dụng hoạt huyết, kích thích thành phần sinh học thiết yếu trong cơ thể hoạt động như tuần hoàn máu, não, tiêu hóa…
Thời tiết những ngày xuân thường lạnh giá, mưa phùn, giờ giấc ăn nghỉ sinh hoạt thất thường, lại uống rượu nhiều, ăn miếng bánh chưng vừa ấm bụng, chắc dạ lại phòng được những đột quỵ về tim mạch, nhất là đối với những người có tiền sử về bệnh lý tim mạch, mạch vành.
. Theo Hà Nội Mới |