Có một câu chuyện xưa: Có người cha già, tay chân run rẩy, mỗi khi ăn cơm hay làm vỡ chén, đổ tháo thức ăn ra bàn. Anh con trai thấy vậy liền làm cho cha cái bát gỗ. Rồi một ngày kia anh bỗng thấy con trai mình hì hục đẽo một cái bát gỗ, hỏi con thì nó trả lời: "Để mai này cha ăn". Người con hối hận vì đã đối xử không phải với cha. Trong gia đình, khi cha mẹ không là những tấm gương tốt thì chuyện con cái hư hỏng là điều dễ xảy ra...
* Những tấm gương... mờ
Ngoài 50 tuổi, ông Q. phải lòng một cô nhỏ hơn ông đến hai chục tuổi, nằng nặc đòi vợ ly dị, chia tài sản. Bà vợ không đồng ý ly dị vì nghĩ đến thể diện của gia đình nhưng đành chấp nhận để ông sống với người vợ hờ. Ngày ông ra đi, đến cái giường, cái tủ ông cũng đòi. Được mấy năm, sau khi đã ăn xài hết số tiền của ông, cô vợ hờ "vỗ cánh bay xa". Tình mất, tiền mất chẳng biết đi đâu, về đâu, ông đành trở lại bấu víu vào gia đình. Người vợ với tấm lòng bao dung chẳng hề ta thán lấy nửa lời. Thế nhưng các con ông thì khó chịu ra mặt: "Sao ông không đi luôn, về đây làm gì? Ngày xưa, ông đối xử với mẹ con tôi có ra gì đâu, giờ đừng có trách ai mà hãy trách mình trước đã".
Bà K. là người cay nghiệt, bủn xỉn có tiếng ở trong xóm, ngay cả với con đẻ của mình. Bà tuyên bố: "Nuôi chúng bay đến tuổi trưởng thành là tao xong trách nhiệm. Đừng có nhờ vả gì nữa cả". Người đầu tiên ra đi là anh con trưởng bởi mẹ luôn chê bai vợ anh nhà nghèo, không biết kiếm tiền. Quá biết tính mẹ mình, anh lẳng lặng mượn tiền của anh em, bạn bè mua một căn nhà nhỏ ra ở riêng. Lâu lâu anh mới chở vợ con về thăm mẹ. Các người con khác cũng lần lượt theo gương người anh đầu tự lập. Bà K. có tiền nhưng khi con cái khó khăn bà chẳng hề muốn giúp đỡ vì ngại chúng sẽ chẳng trả lại tiền cho mình. Giờ bị đau thấp khớp, mắt mờ không đi lại được, bà muốn các con về ở phụng dưỡng nhưng chẳng người con nào muốn về. Mặc dù bà có đủ tiền bạc để không phiền đến chúng.
* Dạy con, cha mẹ "tu thân"
Trong cách đối xử với mẹ, các con của bà K. có phần quá đáng nhưng nguyên do một phần ở sự cay nghiệt của bà mà ra. Anh D., con trai út của bà, nói như thanh minh: "Người ngoài không hiểu thì bảo anh em tôi bất hiếu, không chăm sóc mẹ già nhưng quả thật, mẹ tôi là người không ai chịu nổi. Mới rồi, tôi về chở bà đi khám bịnh, bà động viên 'ráng chăm mẹ rồi bữa nào mẹ cho 1 triệu đồng'. Nghe mẹ nói tôi vừa giận lại vừa buồn. Không lẽ tôi về chăm mẹ để lấy triệu bạc hay sao?".
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ là tấm gương để con cái noi theo. Không ít gia đình làm ăn bất chính trở nên giàu có, con cái đua đòi cũng ăn chơi, tiêu tiền như rác bởi chúng biết đó là những đồng tiền cha mẹ chúng làm ra dễ dàng. Lối sống của cha mẹ tác động rất lớn trong việc hình thành nhân cách của con sau này. Anh chị T. là một trường hợp điển hình của "nhà dột từ nóc". Anh hay nhậu nhẹt, bê tha, về nhà la mắng vợ con. Còn chị, cũng không kém cạnh chồng trong khoản bài bạc và cãi lộn với chồng. Mỗi lần chị đi đánh bài đều "bỏ nhỏ" với các con vài ngàn để chúng ở nhà canh chừng, khi nào ba về thì chạy xuống báo. Với hai "tấm gương" như vậy nên mấy đứa con của anh chị học hành chểnh mảng, hỗn hào thậm chí có lần chúng còn dám đánh lại cả cha mình.
Ông Lê Văn Lộc, 69 tuổi ở phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn, đã kết hôn trên 40 năm, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, cho rằng: "Làm cha, làm mẹ trước hết phải sống mẫu mực, trách nhiệm để con cái lấy đó làm gương, theo nếp của cha mẹ mà sống. Khi vợ chồng mâu thuẫn, phải đợi lúc thuận tiện mà nói với nhau, chớ để con cái biết được, chúng sẽ có ý nghĩ không hay về cha mẹ. Trong lối sống hàng ngày, mình phải chỉn chu. Cho đến từng tuổi này tôi vẫn chẳng bao giờ hút thuốc, uống rượu bia gì cả".
. Hoàng Lan |