Trung bình mỗi người cần 6-8 cốc nước trong một ngày (tương đương 1,5 lít), được đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. Tình trạng thiếu nước sẽ gây các rối loạn trong cơ thể và dẫn đến nhiều bệnh tật như sỏi thận, viêm da...
|
Nước là cái nôi của sự sống |
Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người, chiếm 50-60% cân nặng của người bình thường. Con người nhịn ăn 6-8 tuần mới có thể bị chết đói, nhưng chỉ cần mất 5-10% nước đã lâm vào tình trạng tính mạng bị đe dọa, mất đến 15-20% là coi như hết hy vọng cứu chữa.
Trong cơ thể, nước là yếu tố trung gian cần thiết cho các phản ứng để chất dinh dưỡng biến đổi thành dạng dễ tiêu hóa và hấp thu. Nó tham gia quá trình điều hòa thân nhiệt, làm chất đệm mô bào, tránh bị xây xát. Ở thai phụ, nó hình thành lớp đệm che chở cho bào thai (nước ối). Nước là "vật liệu" cấu trúc hầu hết các mô, là thành phần căn bản của máu và các dịch nội tiết, nước bọt, dịch dạ dày...
Một vai trò khác của nước là hòa tan các chất cặn bã và độc tố, giúp triệt tiêu và tống chúng ra ngoài cơ thể. Nó cũng cần thiết cho sự bài tiết phân, nước tiểu, hơi thở, mồ hôi. Một số món ăn mặn, thức uống lợi tiểu như trà, cà phê... làm đi tiểu nhiều nên khi dùng chúng, bắt buộc ta phải uống thêm nhiều nước.
Mỗi người cần khoảng 1,5 lít nước/ngày (6-8 cốc nước/ngày). Tuy nhiên, nhu cầu này thay đổi theo lối sinh hoạt, thời tiết, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý (như mang thai, cho con bú) hoặc bệnh lý (như sốt, mắc bệnh nhiễm trùng, các bệnh rối loạn chuyển hóa). Càng cao tuổi thì lượng nước trong cơ thể càng ít đi. Ở trẻ sơ sinh, trung bình nước chiếm 75-80% cân nặng; còn ở tuổi 60-70, chỉ số này chỉ còn 50%.
Cơ thể thiếu nước sẽ có các rối loạn chuyển hóa và kém hấp thu. Ở người già, biểu hiện của nó là khô miệng, nước bọt quánh, dẫn đến ăn không ngon, khó nuốt, chán ăn; trẻ em thì ăn không tiêu, thường nôn, trớ, táo bón, biếng ăn.
Đối với trẻ em tuổi dậy thì, thiếu nước dễ dẫn đến các bệnh ngoài da, viêm lỗ chân lông, trứng cá... Ngoài ra, thiếu nước ở người lớn còn dễ dẫn đến sỏi bàng quang, sỏi thận.
Chính vì vậy, mọi người đều phải chú ý uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em. Không nên để đến lúc thấy khát mới uống vì khi đó, cơ thể đã thiếu nước được một thời gian khá lâu.
. Theo Sức Khỏe & Đời Sống |