Được xem như là một căn bệnh do tuổi tác, chứng loãng xương tuy âm thầm phát triển nhưng lại có tỉ lệ mắc khá cao đối với nữ giới. Theo số liệu thống kê của Anh thì tỉ lệ đó đối với nữ giới là 1/3 và nam giới là 1/12. Loãng xương còn là nguyên nhân của 200 nghìn ca gãy xương mỗi năm ở Anh.
Bản chất của chứng loãng xương là sự suy yếu dẫn tới gãy xương, khó chữa lành lại được. Do đó, căn bệnh này còn có tên gọi khác là bệnh giòn xương. Cấu trúc của xương gồm có một lớp vỏ ngoài đặc sít bao bọc một mạng lưới xốp ở bên trong, khi chứng loãng xương xuất hiện là lúc diện tích các lỗ của mạng lưới xốp ở bên trong trở nên rỗng dần ra do những tế bào tủy xương osteoclasts phát triển xâm chiếm những tế bào xương bình thường làm cho xương giòn, yếu và dễ bị gãy. Những xương nằm ở vị trí có nguy cơ cao đối với căn bệnh này là xương thuộc vùng cổ tay, vùng mông và xương sống.
Theo quy luật phát triển thì khoảng thời gian để bộ xương phát triển và trưởng thành trong cuộc đời của mỗi chúng ta là vào những năm thơ ấu và tuổi thiếu niên, khi đó các xương dài thêm ra đồng thời mạng lưới xốp ở bên trong cũng trở nên dày đặc hơn cho tới khi chúng đạt tới độ rắn chắc nhất là lúc chúng ta ở độ tuổi gần 30. Khi nam giới qua ngưỡng của tuổi 30 và thời kỳ tiền mãn kinh đến với nữ giới cùng với quá trình già hóa tự nhiên, bắt đầu làm cho xương của mỗi chúng ta suy yếu dần và mạng lưới xốp bên trong chúng cũng bắt đầu trở nên ít đặc hơn trước. Trong một số trường hợp, quá trình này diễn ra nhanh hơn bình thường gây ra chứng loãng xương. Do vậy mà một số công trình nghiên cứu đã gợi ý rằng chế độ ăn uống khi còn trẻ cũng là một tác nhân dẫn tới điều kiện để chứng loãng xương phát tác ở tuổi già.
Lý do làm cho phụ nữ đặc biệt có nguy cơ cao bị mắc chứng loãng xương là vì họ có xương nhỏ và mảnh hơn nam giới. Ngoài ra căn bệnh còn có mối liên quan tới tuổi mãn kinh của nữ giới, vì ở tuổi đó cơ thể ngừng sản sinh ra hoocmon giới tính oestrogen, đó cũng là một loại hoocmon cần thiết đối với sự khỏe khoắn của xương. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi cũng có thể bị mắc bệnh này, đặc biệt là đối với những phụ nữ nhẹ cân, người đã từng mắc chứng biếng ăn hoặc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Hiện nay chế độ ăn uống và tập thể dục được xem là hai biện pháp then chốt giúp ngăn ngừa sự phát triển của căn bệnh này. Ăn uống với hàm lượng canxi cao, đặc biệt là trong giai đoạn cơ thể còn đang phát triển, cũng là một cách ngăn ngừa trực tiếp. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể mang lại tác dụng tốt đối với những người loãng xương, tuy nhiên nó không cho việc tái tạo lại độ bền của xương mà cần phải dùng thuốc điều trị có thể giúp bệnh nhân khôi phục lại được.
Các nhà khoa học Học viện y tế Baylor (Texas, Mỹ) đã tìm ra một loại hoocmon có khả năng giúp ngăn ngừa được quá trình suy yếu của xương trong cơ thể chúng ta. Hoocmon này có tên là amylin được tiết ra từ cụm tế bào trong tuyến tụy, đó cũng chính là nơi sản xuất ra insulin cho cơ thể. Ở những bệnh nhân mắc tiểu đường týp 1 thì hệ thống miễn dịch tấn công vào những tế bào tuyến tụy gây ảnh hưởng tới việc sản xuất ra hai loại hoocmon là insulin và amylin, tạo điều kiện cho chứng loãng xương phát triển. Do vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu một số liệu pháp ngăn ngừa cũng như giúp khôi phục lại tế bào xương đối với những bệnh nhân đã bị mắc chứng loãng xương, đó sẽ là một liệu pháp mới có nhiều triển vọng.
. Theo KH- ĐS |