Buổi chiều, một người phụ nữ dáng lam lũ, tất bật đến tòa án thành phố nhờ giúp chị đòi ông chồng vô trách nhiệm trả tiền phí tổn nuôi con. Ly hôn đã 5 năm nhưng anh chồng chẳng hề đóng góp một đồng nào để nuôi đứa con chung hiện đang sống cùng chị…
* Dấu lặng của hôn nhân
|
Bao giờ hết cảnh trẻ em lang thang thế này? |
Anh chị Tùng đã có một thời hạnh phúc với 4 đứa con (2 trai 2 gái) khỏe mạnh. Nhưng anh đã tự mình đánh mất hạnh phúc khi đi theo "tiếng gọi tình yêu" và có con với người khác. Ngày ra tòa ly hôn, 4 đứa con nhất mực đòi ở với mẹ. Về phần mình, anh xin nhận nuôi 2 đứa con trai mặc dù từ khi sinh ra đến khi 5 tuổi anh chẳng hề chăm sóc, bồng bế chúng. Khi tòa đặt vấn đề: "Giả sử các con không chịu ở với anh thì anh sẽ có trách nhiệm gì với chúng không?". Anh ý kiến: "Tôi đã xin nhận nuôi 2 đứa con trai, nhưng nếu chúng nhất định ở với mẹ thì tôi sẽ chẳng đóng góp gì cả vì con là con chung chứ đâu phải con riêng gì mình tôi. Tôi đã có con với người khác, phải nuôi nó". Lý lẽ anh đưa ra chẳng thể chấp nhận được, tòa buộc anh phải đóng phí tổn nuôi con hàng tháng. Nhưng việc anh có thực hiện nghĩa vụ này hay không còn là một vấn đề.
Dù chị Mười ly hôn đã được 5 năm nhưng thi thoảng người ta vẫn thấy chị đến tòa nhờ can thiệp về chuyện phí tổn nuôi con. Sau gần 3 năm chung sống, có với nhau một mặt con nhưng không chịu nổi tính cộc cằn, vũ phu của chồng, năm 1993 chị xin ly hôn. Tòa xử mỗi tháng anh Cường (chồng chị) phải đóng 70.000 đồng phí tổn nuôi con nhưng từ bấy đến nay chị không hề nhận được xu nào. "Tôi nghề nghiệp, nhà cửa không có, phải sống nhờ bên ngoại, ai thuê gì làm nấy nên sống rất khổ sở. Lúc đầu, tôi nghĩ anh ấy khổ, chưa có tiền lo cho con nên cố gắng nuôi con, chờ anh ấy có công việc ổn định sẽ đưa tiền nuôi con. Ai dè, ảnh chẳng đóng góp đồng nào. Con thì mỗi ngày mỗi lớn, chi tiêu càng nhiều, tôi không đủ sức nuôi nữa". Tính từ thời điểm năm 1996 đến nay, giá trị đồng tiền đã khác xa nhưng với chị Mười thì "70.000 đồng cũng được, có còn hơn không, miễn là anh ấy chịu đóng góp nuôi con".
* Gánh nặng một vai
Nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn, vài năm sau quay lại xin tòa xử lại về việc thay đổi phí tổn đóng góp nuôi con vì nhiều lý do như cần thay đổi lại mức phí tổn, hoặc đòi người kia phải có trách nhiệm đóng góp phí tổn… Nhiều người sau khi ly hôn vẫn quan tâm lo lắng, chu cấp cho con đều đặn nhưng cũng không ít trường hợp "phủi tay", giao hẳn cho chồng hoặc vợ. Gánh nặng nuôi con chỉ một bên cáng đáng.
Chị Thanh, sau khi ly hôn, bỏ mặc đứa con cho chồng cũ, đi xứ khác lập nghiệp, lấy chồng sinh con đẻ cái. Chị chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến núm ruột của mình, không ít lần chị về quê cũ nhưng chẳng đến thăm con xem nó đã lớn ra sao, học hành thế nào. Anh Hào - chồng chị Thanh tâm sự: "Phí tổn nuôi con cô ấy không đóng thì đã đành nhưng chí ít cũng một lần đến thăm con chứ. Đằng này cô ấy coi như không có con vậy, làm thằng bé tủi thân lắm". Còn chị Hường, thợ uốn tóc ở chợ Đầm (Quy Nhơn), tâm sự: "Sau khi ly hôn, tôi xin nuôi cả 2 cháu vì cha chúng say xỉn tối ngày. Tòa xử mỗi tháng anh ấy phải đóng góp 300.000 đồng nuôi con nhưng có thấy anh ấy đưa đồng nào đâu, chỉ thi thoảng dẫn con đi chơi, mua cho vài bộ áo quần. Mình tôi nuôi hai đứa, tiền trường, tiền học thêm, chật vật lắm mới đủ".
Sau khi ly hôn, cha mẹ càng phải có trách nhiệm đối với con cái, chỉ vật chất không thôi chưa đủ mà còn quan tâm, lo lắng đến đời sống tinh thần của các con. Nhưng trên thực tế, nhiều người sau khi ly hôn đã rũ bỏ hẳn trách nhiệm làm cha làm mẹ của mình, không cần biết các con mình sống ra sao. Bà Năm, người chuyên đi cân dạo tại chợ Lớn Quy Nhơn, kể chuyện: "Tôi với ổng bỏ nhau dễ có đến 40 năm, ổng chẳng ngó ngàng gì tới thằng nhỏ, chẳng chu cấp lấy một đồng. Tôi khổ quá đành để con thất học. Nó lớn, biết chuyện nên hận lắm. Giờ mỗi khi ổng đến thăm cháu nội, con trai lại lẩn xuống nhà dưới, ổng xuống nhà dưới nó lại lên nhà trên. Tình cảm cha con lạt lẽo lắm. Nhưng biết làm sao được, tại ổng chớ trách ai".
. Ngọc Dung |