Nước mắt chảy xuôi
15:39', 4/11/ 2004 (GMT+7)

Tháng 4 vừa rồi, cả Khu dưỡng lão Quy Nhơn tiễn cụ Nguyễn Thanh B. về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo những nhân viên kể lại thì ông cụ chết mà vẫn không nhắm mắt được dù người con gái của ông đã khóc lóc, vuốt mắt cho cha không biết bao nhiêu lần. Có lẽ ông còn chờ con trai, cháu nội đến!

* Già có cậy con?

Chăm sóc cây cảnh - một trong những thú vui của các cụ già tại Khu dưỡng lão Quy Nhơn

Ông B. sống ở Khu dưỡng lão đã lâu dù có cả con trai lẫn con gái đang sống ở Quy Nhơn. Vì sao ông không ở với họ thì chẳng ai biết nhưng người ta hiểu rất rõ: đã từ lâu ông và người con trai không nhìn mặt nhau. Thậm chí có lần ông vào viện nằm chung phòng với ông sui gia, người con trai vào thăm cha vợ nhưng khi thấy cha mình thì lẳng lặng đi ra. Đến khi ông cụ đau nặng, rồi hấp hối, cán bộ ở Khu dưỡng lão điện báo cho người con trai nhiều lần nhưng anh ta cũng chẳng đến. Suốt cả trong thời gian ông đau ốm và đến lúc chết chỉ có vợ chồng người con gái và cháu ngoại ở bên. Cho đến lúc xuôi tay, ông vẫn nuối lại chờ con trai. "Gì thì gì, nghĩa tử là nghĩa tận, thằng con ổng làm vậy là quá đáng"- nhiều cụ ông trước giờ vẫn bầu bạn với ông B. nói vậy.

Trường hợp ông cụ Đặng T. cũng thật đáng thương. Vợ chồng ông chỉ có người con trai duy nhất, vợ là liệt sĩ, bản thân ông lại là thương binh, nên kinh tế không hề phụ thuộc vào con cái. Vậy mà người con trai và con dâu đối xử với ông quá tệ bạc, thậm chí người con trai nhiều lần còn lôi ông ra đường đánh chửi. Cực quá, ông phải xin vào Khu dưỡng lão để sống nốt tuổi già. Lúc này nhà ông được đền bù 50 triệu đồng để giải tỏa mở đường. Vì ông còn là chủ sở hữu ngôi nhà nên vợ chồng người con trai bất hiếu này lập mưu lừa để ẵm hết số tiền đền bù. Khi nghe nhà được đền bù, đứa con trai mua thức ăn, quà cáp xuống Quy Nhơn thăm ông cụ và ngon ngọt mời cha về quê để phụng dưỡng. Cảm động trước sự "có hiếu" đột xuất của anh con trai, cụ T. đã làm đơn xin ra ngoài và về quê. Tất cả số tiền đền bù giải tỏa ông đều giao lại cho con trai bởi cha con ai tính toán thiệt hơn làm gì. Sau khi lấy được số tiền, người con đã giở thói cũ đánh đập, xua đuổi cha ra khỏi nhà. Một lần nữa ông cụ lại rơi vào hoàn cảnh không nhà cửa, không người chăm sóc. Ông xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhưng không được chấp nhận vì không thuộc diện, mà về lại Khu dưỡng lão thì lại xấu hổ với mọi người. Vậy là ông bỏ đi, chẳng ai biết ông đi đâu về đâu, còn hay mất.

* Nước mắt chảy xuôi

Buổi sáng, tại một quán cà phê trên đường Tôn Đức Thắng (Quy Nhơn) tôi gặp một cụ bà lưng còng, tóc bạc đi xin tiền. Mỗi khi được 500 đồng bà mừng lắm, xếp lại cẩn thận cho vào túi sau mấy lần áo. Tôi biếu bà tờ 1.000 đồng nhưng bà bảo chỉ xin 500 đồng thôi và băn khoăn không có tiền thối lại. Hỏi chuyện mới biết bà tên là Nguyễn Thị G. quê ở xã Phước Mỹ, Tuy Phước. Nhà có hai mẹ con nhưng người con trai bị tâm thần, nên bà vẫn phải cáng đáng việc mưu sinh. "Tui già chẳng làm gì ra tiền, nghe người ta bày xuống Quy Nhơn đi xin có tiền. Tui mới đi được mấy bữa nay". Hoàn cảnh của bà G. là bất khả kháng. Thế nhưng, với cụ T.K thì đi xin là do thái độ của con cái đối với ông. "Đứa này nuôi tôi được một thời gian rồi đẩy qua đứa khác. Có khi chỉ chưa đầy một năm mà tôi làm khách cả bốn nhà. Con ruột thì chẳng nói nhưng con dâu, con rể mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia. Chán đời, tôi bỏ đến nhà ông bạn độc thân sống nhờ. Hai người đỡ đần nhau, tui yếu nên đi xin, còn ổng đi đạp xích lô. Con cháu tui vẫn thương nhưng bảo về ở với chúng sao tui thấy nặng nề quá. Thà ở vầy, tuy khổ nhưng tư tưởng thoải mái hơn"- ông T. than thở.

"Trẻ cậy cha, già cậy con", đạo lý của người Việt là vậy thế nhưng một số người vẫn bất chấp để rồi bất hiếu với bậc sinh thành. Trong những đợt thu gom người lang thang cơ nhỡ xin ăn, không ít trường hợp các cụ ông, cụ bà có con cháu, thậm chí gia đình có của ăn của để nhưng lại bị đẩy ra đường. Chính quyền, ngành chức năng bắt buộc gia đình, con cháu có trách nhiệm nhận về phụng dưỡng nhưng chỉ một thời gian đâu lại vào đấy.

Người viết bài này đã gặp không ít cụ già phải vào sống tại Trung tâm BTXH và Khu dưỡng lão Quy Nhơn hoặc tệ hơn là phải đi xin ăn dù họ có con cái. Có 1.001 lý do khiến họ phải làm như vậy... nhưng cho dù là lý do nào thì đó cũng chính là nỗi đau của họ. Có cụ bà khi được hỏi "vì sao...", nước mắt đã lăn dài trên gò má nhăn nheo của một đời lam lũ.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lấy lại cân bằng trong cuộc sống   (04/11/2004)
Khi trái tim đóng cửa   (03/11/2004)
Ăn mặn có hại gì?  (02/11/2004)
Mắt cá ngừ đại dương - vị thuốc chữa bệnh mắt   (01/11/2004)
Nồi thủy tinh chịu nhiệt  (31/10/2004)
Tủ thuốc cho gia đình  (29/10/2004)
Hậu ly hôn: Con cái ai lo?  (28/10/2004)
Đeo khẩu trang có ngăn được các bệnh đường hô hấp?  (28/10/2004)
Con cá sảy là con cá to?  (27/10/2004)
Uống trà không đúng cách có hại  (27/10/2004)
Ngô - ngũ cốc vàng giúp tăng tuổi thọ  (26/10/2004)
Táo làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết  (25/10/2004)
Các chứng đau lưng thường gặp  (24/10/2004)
Hàng điện máy giảm giá mạnh   (22/10/2004)
Những loại rau quả có ích trong mùa thu  (22/10/2004)