1. Một cậu bé 5 tuổi rất sợ phải đi ra ngoài một mình. Đi đâu cậu cũng cần có bố hoặc mẹ ở bên. Một hôm vì bận việc, mẹ cậu nhờ cậu đi siêu thị mua hàng. Cậu hơi sợ nhưng vẫn can đảm nhận lời. Quãng đường từ nhà đến siêu thị hơi xa, lại phải qua mấy ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Trên đường đi cậu gặp phải khá nhiều chuyện, có một con chó to của ai đó bị xổng ra, tuy sợ đấy nhưng cậu vẫn can đảm đi tiếp và đã đến được siêu thị. Ở đó, trong một mê cung với đủ gian hàng đầy màu sắc quyến rũ, cậu vẫn tìm ra được thứ hàng mình cần mua. Việc mua bán đã xong, cậu lại một mình trở về nhà trong đêm tối. Sợ thật đấy, chẳng phải những con ma trong phim chỉ xuất hiện trong đêm tối đấy ư? Vượt qua nỗi sợ hãi, cậu vẫn về được đến nhà. Hàng của cậu mua không đúng thứ mẹ dặn nhưng đối với bà mẹ chuyện đó có hề gì. Điều quan trọng là cậu bé đã không còn nhút nhát nữa. Đó chỉ là một trong những câu chuyện nhỏ trong chùm phim "Con đã lớn khôn" của Nhật Bản đang được phát sóng trên kênh VTV3 vào buổi chiều chủ nhật hàng tuần. Bài học đầu tiên phải biết vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình thật đơn giản và đáng quý xiết bao.
2. Ở ta, nhiều bậc phụ huynh vẫn "úm" con quá kỹ, nuôi con theo kiểu "gà công nghiệp", rời bố mẹ ra là không biết phải làm gì. Một cô bé đã học cấp ba nhưng hàng ngày đi học, kể cả học chính khóa lẫn học thêm, ba mẹ phải đưa đi đón về; một cậu bé 16 tuổi hàng sáng vẫn đợi bố mẹ làm điểm tâm, nài ép mãi cậu mới ăn… Nhiều phụ huynh "chỉ đạo" con phải chơi với ai, phải làm gì… thậm chí xem trộm nhật ký, nghe lén điện thoại của con… Với họ, thương con là phải làm thay, suy nghĩ thay cho con. Nhưng đó mới chỉ là thương phần "ngọn", còn cái "gốc" giúp con tự biết phân biệt thế nào là tốt, xấu nhiều phụ huynh đã không làm được. Quan điểm dạy con để chúng sống tự lập ngay từ bé, được tự do suy nghĩ và hành động theo ý của mình còn cha mẹ chỉ đóng vai trò định hướng thế nào là tốt, xấu; là người bạn lớn, là cố vấn của con cái hơn là người áp đặt… vẫn còn xa lạ. Bởi vậy, khi xa nhà, không ít đứa con đã rơi vào tay bọn xấu, bị chúng rủ rê, lôi kéo vào con đường hư hỏng mà đến khi cha mẹ hay biết thì đã quá muộn.
3. Tôi có một đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi. Tôi để ý mỗi lần cháu vấp ngã nếu ba mẹ tỏ ý xót xa, vội nâng niu, nựng nịu thì y như rằng nó sẽ khóc to hơn và mè nheo đủ kiểu. Nhưng nếu cố tình lờ đi, coi như chẳng có chuyện gì thì dù có ngã đau hơn cậu chàng vẫn chẳng khóc mà đường hoàng đứng dậy rồi bước đi như không có chuyện gì xảy ra… Vậy là nó cũng đã biết tự giải quyết những rắc rối nho nhỏ của mình. Hôm rồi, thằng cháu bốn tuổi đến chơi, thay vì bưng ghế ra mời ba mẹ chúng như mọi khi, tôi đã nhờ cháu làm. Được nhờ, trông nó phấn khởi lắm, không chỉ lấy ghế mà còn biết rót nước mời cả ba mẹ lẫn dì (tôi) trước sự ngỡ ngàng của ba mẹ nó. "Không ngờ con giỏi thế đấy"- ba mẹ nó bảo vậy. Còn nó thì hớn hở, tự khen mình "con lớn rồi mà!".
. Hạo Nguyên
(*) Một chương trình đang được chiếu trên VTV3. |