Những tháng đầu mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi, chuyển biến kỳ lạ. Họ bỗng thèm ăn, thèm ngủ hoặc thèm những thứ trái khoáy mà ngày thường chẳng khi nào động đến; lại có người bẳn gắt khó chịu, không ăn uống được gì. Đó chính là "hội chứng" nghén - một hiện tượng khá phổ biến trong thời kỳ mang thai của phụ nữ.
* 1.001 kiểu nghén
|
Mẹ và con (tranh) |
Mỗi lần nghe chuyện nghén là chị Lê Anh Đ. lại đem câu chuyện của má mình ra kể. Tôi nhớ, ngày má tôi mang thai nhỏ út, bả chẳng thèm chua, thèm ngọt như mọi người mà lại thèm…. đất sét, gạch non. Hồi đó, nhà tranh vách đất, mỗi bận trời mưa xuống tường hơi bị mủn, đêm nằm bà cứ khoét dần một chỗ để nhấm nháp cho đỡ buồn miệng. Lâu dần, chỗ đó to như miệng chén làm bà nội cứ càm ràm, không biết con vật nào là thủ phạm. Nhà gần mấy lò gạch, mỗi khi rảnh việc, má hay chạy qua chỗ đó móc một ít gạch non, cất trong túi áo để dành về nhấm nháp. Cha tôi biết chuyện, chỉ than: "Bao nhiêu của ngon vật lạ sao không thèm cho con nó nhờ hả trời. Ăn mấy thứ đó, chắc con đẻ ra đỏ như gạch quá". Kệ, ai nói sao thì nói, má tôi vẫn nghiện cho đến tháng thứ tư thì thôi. Nhỏ út sinh ra, da trắng như trứng gà bóc. "Sao hồi đó tao thấy nó ngon lạ lùng thế không biết" - sau này má chị Đ. đã nói như vậy.
Giai đoạn có thai chị Hoàng Thanh là cái "máy xay" thức ăn khổng lồ. Lúc nào cũng thấy thèm ăn và ăn rất nhiều dù thời con gái chị nổi tiếng kén ăn. Buổi sáng đi làm, chị ăn tô phở thật to, giữa buổi chị "quất" thêm gói xôi 2.000 và bịch sữa tươi. Trưa, ăn bốn năm bát cơm mà vẫn thòm thèm. Sau 9 tháng mang thai, chị tăng thêm 25 cân, người thành cái "thùng phuy di động", đến mức nhiều người quen không thể nhận ra được. Chồng chị cứ nửa đùa nửa thật: "Lương của hai đứa giờ chỉ đủ mình em ăn thôi".
* Nghén thay vợ
Còn với bà Năm Hảo, bà đẻ năm đứa con mà chẳng một lần nào biết nghén là gì. Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc quần quật suốt ngày. "Ông trời thương tao nghèo khổ hay sao đó. Đẻ 5 nuôi 5, khỏe re chứ có biết nghén ngủng là cái chi mô". Bà thì vậy, nhưng với chồng bà, ông Năm thì 5 lần bà có thai là ông nghén cả 5 lần. Mỗi lần bà có thai, là y như rằng ông thấy người buồn ngủ, mồm miệng nhạt phèo và chẳng muốn ăn thứ gì ngoài bánh tráng sống nhúng chấm nước mắm. Lần mang thai đứa út, ông đi xa, chẳng hề biết vợ có thai nhưng thấy mình có những biểu hiện như những lần trước. Bán tín, bán nghi ông điện về hỏi thì quả là vậy.
Trường hợp nghén thay vợ như ông Năm không phải là hiếm. Trong y học gọi đó là bệnh tổng hợp đi liền mang thai. Các nghiên cứu cho thấy, hiện tượng trên chủ yếu là do nguyên nhân tâm lý. Đó là do nỗi sung sướng pha lẫn sốt ruột của người cha khi chờ đợi đứa con ra đời, sự lo lắng về trách nhiệm tương lai hay băn khoăn về sức khỏe đứa con. Tất cả những tình cảm đó đan xen nhau, dẫn đến tình trạng bấn loạn tinh thần ở người chồng. Ngoài ra, sự lo lắng thái quá do thiếu kiến thức cần thiết về việc thai nghén, sinh nở cũng khiến cho tinh thần họ căng thẳng, tâm lý mất cân bằng, luôn cảm thấy bất an, nhất là khi chứng kiến những hiện tượng không bình thường của vợ.
* 9 tháng 10 ngày
Giai đoạn mang thai, cơ thể của người phụ nữ có những biến chuyển, thay đổi, nhất là ba tháng đầu tiên, nhiều phụ nữ có triệu chứng ốm nghén với các biểu hiện như: buồn nôn, thèm ngủ, chán ăn, thèm chua hoặc thèm những thứ "oái ăm" khác như mẹ của chị Đ mà trong dân gian vẫn thường gọi là "ăn dở". Chị Thùy Dương, nhân viên hành chính, đã là mẹ của hai đứa con kể lại: "Người ta bảo đau như đau đẻ nhưng tôi không sợ đẻ mà chỉ sợ ốm nghén. Thời kỳ ốm nghén, tôi chẳng ăn được gì, ăn vào là ói đến mật xanh mật vàng, phải đi chuyền đạm".
Còn anh Hùng Anh, có vợ đang mang thai đứa con đầu lòng thì lại le lưỡi: "Đẻ xong đứa này, chắc nghỉ luôn quá. Bả hành tui sói trán". Chả là chị Thoa, vợ anh bị ốm nghén, hay thèm những thứ "sảng tai". Có lần chị bảo anh: "Em thèm ăn cháo hến của quê mình quá". Món cháo hến thì đi khắp Quy Nhơn cũng chẳng thể tìm ra. Anh đành xách giỏ ra chợ mua hến về luộc, lấy ruột rồi nấu cháo cho vợ. Lên mâm lên bát xong xuôi, chị lắc đầu quầy quậy: "Tanh quá, không ăn được". Tiếc công cho anh cặm cụi cả buổi sáng. Rồi những lần gần nửa đêm, chị bỗng dưng thèm ăn thứ nọ thứ kia, làm anh dù buồn ngủ đến mấy cũng phải xách xe đi mua cho vợ. Đến khi về thì chị đã lăn ra ngủ tự khi nào…
Vậy đấy, giai đoạn mang thai không chỉ có ý nghĩ riêng đối với người mẹ và cả với người cha, khi chứng kiến sự lớn lên hàng ngày của thai nhi, mong chờ đến ngày con cất tiếng khóc chào đời. Những khó chịu, đổi thay người mẹ phải chịu đựng trong giai đoạn mang thai sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên.
. Hoàng Lan
|