|
"Lặn lội thân cò khi quãng vắng" |
1. Gần 60 tuổi nhưng trông bà Bình già hơn những người cùng tuổi rất nhiều, gương mặt hằn lên những nếp nhăn, tóc bạc trắng. Bạn bè cũ lâu ngày gặp lại vẫn gọi đùa bà là "chị hai". Lấy chồng từ năm 20, bà đẻ liền tù tì sáu đứa con. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông vào đồng lương cán bộ phường của ông và sạp bán chén dĩa ở chợ của bà. Năm 1980, chồng bà bất ngờ bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Từ đó, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai gầy của bà. Bà như một cái máy lúc nào cũng ở trong trạng thái hoạt động hết công suất. Bán cả ngày ở chợ, tối bà nhận làm thêm hàng mã. Các con thương tỏ ý muốn giúp mẹ nhưng bà gạt phắt: "Ngày xưa ba mày học hành dang dở nên muốn bay học hành đến nơi đến chốn, giờ ổng không lo được thì đã có tao. Lũ bay học hành bỏ dở, ổng biết thì buồn chết". Anh con trai cả học bác sĩ, rồi tiếp đến anh con trai thứ học dược, chị thứ ba học kinh tế, rồi thằng thứ tư học nha khoa… đều một tay bà lo liệu, cáng đáng nhưng bà chẳng bao giờ hé răng với các con về nỗi khổ của mình. Lo xong công ăn việc làm ổn định, bà lại lo đến chuyện dựng vợ gả chồng cho các con. Không buôn bán như trước thì bà trông cháu nội, hết nội rồi lại đến ngoại. "Nhà 6 đứa con thì 5 đứa đại học, chỉ có con út theo nghiệp buôn bán của tôi thôi. Giờ tôi chỉ lo trông cháu, giao hết việc buôn bán cho nó" - bà cười mãn nguyện.
2. Khi cuộc hôn nhân không thành, chị Hương đã quyết định chia tay với người chồng khi đứa con chung chưa đầy hai tuổi. Tuổi chưa đến 30, có nhan sắc, nghề nghiệp ổn định, nhà ngay mặt phố, không ít người đàn ông đã ngỏ ý muốn gá nghĩa cùng chị. Tuy không tránh khỏi những lúc xao lòng nhưng tình thương con lớn hơn đã khiến chị không thể nào đi thêm bước nữa. "Mỗi lần nhìn thấy con là lòng tui không nỡ. Nó đã không có cha từ nhỏ, giờ mình có chồng khác, tình cảm bị chia sẻ, làm sao không buồn, rồi ảnh hưởng đến học hành. Mỗi lần có khách đàn ông đến chơi là thằng nhỏ buồn lắm, nghe con hỏi "má còn thương con hông?" mà xót xa. Thôi thì mình chấp nhận hy sinh cả cuộc đời vì con vậy". Năm nay, con chị, đã vào đại học.
3. Chồng mất sớm nên cô tôi tất cả tình yêu thương đều dồn cho các con, như muốn bù lại nỗi đau mồ côi cha. Hai trong ba người con của cô đều đã yên bề gia thất, tuy không giàu nhưng có công việc và cuộc sống ổn định ở Quy Nhơn. Thi thoảng nó về quê gởi biếu mẹ một, hai trăm ngàn chi dùng thêm. Cô năm nay tuổi đã ngoài 65, vẫn phải "nặng nợ" với đứa con trưởng. Anh này học nghề gì cũng chẳng thành ngoài việc lấy vợ, đẻ cho bà nội đứa cháu trai. Vợ chồng lục đục, ly hôn xong anh ta thảy con cho bà nội nuôi tiếp tục rong ruổi, phiêu bạt. Tuổi già, không làm lụng được nhiều lại phải cáng đáng thêm đứa cháu nội, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Khổ, nhưng chẳng bao giờ cô tôi than vãn. Hai đứa con muốn cô vào Quy Nhơn ở cùng nhưng cô từ chối: "Tao còn thằng Tí, nó sống với tao từ nhỏ tới lớn, làm sao bỏ nó mà đi. Vả lại, còn mồ mả ông bà…".
4. Cả ba người phụ nữ kể trên đều có phẩm chất chung: chịu thương chịu khó, tảo tần, một lòng vì chồng vì con. Những người như họ chúng ta vẫn gặp nhiều trong cuộc sống.
. Hạo Nhiên |