Đi làm về đã gần 6 giờ tối, Hảo không thấy mẹ đâu liền hỏi vợ: "Mẹ đi đâu hở em?". Thu, vợ Hảo trả lời cộc lốc: "Bả đi đâu ai mà biết được. Thây kệ bả". Đoán biết rằng giữa mẹ và vợ vừa xảy ra chuyện bất hòa, Hảo trách vợ: "Anh đã khuyên em hàng chục lần mà tính nào tật nấy, vẫn không chịu sửa. Cha mẹ già thường khó tính, đạo làm con phải biết kính trọng, nhường nhịn, nhỏ nhẹ chứ không thể ăn nói xối xả như em…".
|
Nụ cười hạnh phúc |
Hảo vội lên xe máy đi đến các nhà quen trong thành phố tìm đón mẹ về. Một lúc sau, bé Linh, đứa con gái đầu lòng đi học về, không thấy bà nội và ba đâu thì hỏi mẹ. Thu gắt gỏng: "Mầy thì lúc nào cũng nội, cũng ba, còn tao là mẹ, mầy coi chẳng ra gì…". Bị mẹ buộc tội oan, bé Linh ôm mặt khóc nức nở. Bé bệu bạo nói với mẹ: "Bà nội nuôi ba từ nhỏ đến lớn, chăm sóc con từ lúc mới sinh cho đến ngày nay, con không quý nội, thương ba sao được. Còn mẹ mang nặng đẻ đau, có bao giờ con không vâng lời mẹ đâu?…". Nghĩ tủi thân, bé càng tấm tức. Mẹ đến dỗ dành, bảo đi ăn tối, bé nằng nặc không chịu, cứ ngồi ôm mặt khóc… "Ba ơi, ba tìm nội về với con".
Đêm đã về khuya mà Hảo vẫn chưa về. Bé Linh ngủ thiếp lúc nào không hay. Chị cũng không buồn ăn uống mà ngồi thức suốt đêm canh giấc ngủ cho con. Thỉnh thoảng con bé lại kêu lên: "Nội ơi! Ba ơi!". Chị lại vuốt ve, dỗ dành.
Suốt đêm hôm ấy, ngồi bên con, chị thấy ruột gan nóng hổi, lòng dạ bồn chồn, bứt rứt. Thu nhớ lại những lời chồng tâm sự: "Ba anh tập kết ra Bắc lấy vợ khác. Mẹ anh ở lại quê nhà, vừa hoạt động cách mạng, vừa nuôi dạy anh khôn lớn. Năm anh lên 9-10 tuổi, mẹ bị địch bắt bỏ tù, anh cũng vào tù ở cùng mẹ, gian khổ, hiểm nguy, mẹ con cùng cưu mang, đùm bọc. Khi anh làm giao liên cho cách mạng bị địch bắt vào tù, mẹ đã tìm mọi cách lo cho anh được an toàn. Sau ngày giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất, mẹ làm cán bộ phụ nữ huyện với đồng lương ít ỏi vẫn cố gắng tần tảo nuôi anh học trở thành kỹ sư xây dựng. Có những lúc chạy cho đủ tiền anh ăn học, sức khỏe suy kiệt tưởng không qua nổi, nhưng mẹ giấu anh vì sợ anh biết được sẽ bỏ học về nuôi mẹ. Cuộc đời rất đỗi kham khổ, trăm bề thiếu thốn và tuổi già đã làm mẹ anh không còn giữ được đức tính vui vẻ, nhỏ nhẹ như xưa. Còn về phần em, vì lớn lên trong một gia đình buôn bán, có đông đủ cha mẹ, anh chị em, chưa hề bị thiếu thốn về tình cảm nên em không thấu hiểu hết những nỗi gian khổ, nhọc nhằn của mẹ và anh. Đạo làm dâu, làm vợ, em có bổn phận cùng anh chăm sóc mẹ già sống vui vẻ, hạnh phúc trong những năm tháng cuối cuộc đời. Người già thường khó tính, chúng ta phải biết kính trọng và nhường nhịn".
Ba ngày đêm liền, mẹ và chồng vẫn chưa về. Ba ngày đêm liền con gái bỏ học, bỏ ăn luôn miệng kêu "Ba ơi! Nội ơi! Mau về với con…". Thu thấy ăn năn, hối hận vô cùng! Chị tự trách mình: "Sao không bỏ được cái tính bốp chát làm mủi lòng mẹ chồng? Sao lại cứ muốn được người khác chiều chuộng? Nói năng nặng lời, làm buồn phiền mẹ chồng, mình thật có lỗi với chồng, với con quá! Bà con chòm xóm hay được chuyện mình ăn ở không phải, làm cho mẹ chồng phải đến ở nhờ nhà người khác thì mình còn mặt mũi nào dám nhìn mọi người và nói như thế nào với cha mẹ đẻ?…".
Độ hơn 11 giờ khuya, Thu nhận được thư chồng do một bác xích lô trong khu phố đưa đến. Thu hồi hộp mở ra xem: "Đây là lần cuối cùng anh cho em một cơ hội tiến bộ. Nếu em không đến nhà cô Sáu, bạn ở tù với mẹ, thành khẩn xin lỗi và hứa với mẹ thì anh thà chia tay em chứ không thể nào sống xa mẹ, để mẹ buồn phiền, thiếu thốn, nhất là về tình cảm gia đình. Và như vậy em không chỉ mất chồng mà còn mất cả con nữa! Mẹ sẵn sàng tha lỗi cho em".
Ba ngày đêm liền mất ngủ, thiếu ăn và âu lo, trăn trở, Thu rộc hẳn người. Tờ mờ sáng hôm sau Thu vội đánh thức con gái dậy, dỗ dành: "Con ăn tô bún, xong, mẹ con mình đi đón nội và ba về". Bé Linh chưa tin, nhìn vào mặt mẹ, nói: "Mẹ phỉnh". Thấy mẹ mỉm cười âu yếm, đôi mắt thâm quầng, bé Linh chợt hiểu ra rằng mẹ đã hồi tâm.
. Nam Hoài |