Bạn đến phỏng vấn xin việc muộn vì bị kẹt xe. Tại siêu thị, một khách hàng chen ngang để được tính tiền trước. Bạn bỏ nhiều công để hoàn thành dự án nhưng chính những đồng nghiệp lười biếng lại được thăng chức. Làm sao để không nổi xung trước những điều vô lý đó?
Trước khi nổi cơn thịnh nộ, hãy thở sâu và luôn tâm niệm rằng: sự giận dữ sẽ làm tổn thương ta. Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy cơn giận cực điểm và thái độ thù địch dễ khiến ta gặp phải những vấn đề không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đáp ứng miễn dịch kém, thậm chí còn đưa ta đến khuynh hướng béo phì.
Nghiên cứu của ĐH Harvard cho thấy, ở nam giới, những ai thường xuyên nổi xung sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần những người đằm tính. Còn đối với phụ nữ, những cuộc cãi vã với chồng sẽ làm tăng kích thích tố nhưng lại khiến sự miễn dịch ở cơ thể họ giảm xuống, điều này làm họ dễ mắc ung thư hơn.
Cơn giận dữ cũng giống như một cái van xả khiến các kích thích tố tàn phá hệ tuần hoàn và hệ thống miễn nhiễm của con người. Khi ta giận dữ quá mức sẽ làm cho tuyến thượng thận tiết ra adrenalin và cortisol nhiều hơn mức bình thường. Hai hoóc môn này sẽ làm cho nhịp tim đập mạnh, huyết áp tăng nhanh, hệ thống miễn dịch yếu đi. Hoóc môn tăng quá mức cũng khiến tiểu huyết cầu trong máu kết thành khối và chất béo (glyceride) đi vào máu trong cơ thể. Lúc đó năng lượng dư thừa không được sử dụng tới, gan sẽ chuyển hóa chất béo thành cholesterol. Chất này tăng quá mức sẽ đóng mảng trên động mạch, dần theo thời gian nó là hiểm họa gây ra bệnh tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng hơn với những ai luôn có thái độ thù địch với mọi người xung quanh.
Theo các chuyên gia, "chuyện sẽ không có gì là ầm ĩ" nếu bạn biết kiềm chế cơn giận của mình. Vậy cần làm gì để hạn chế cơn giận dữ?
* Xem xét vấn đề
Theo nhà tâm lý học Richard Driscoll, có nhiều người nổi giận nhưng lại không hề nhận ra điều đó. Cách tốt nhất theo ông là hãy hỏi lòng mình những câu hỏi sau để biết được mức độ giận dữ của bạn: Bạn có thường xuyên cảm giác như mình bị người khác ngược đãi không? Bạn có thường cho rằng những lần công kích nhỏ của ai đó là nhắm vào bạn không? Bạn có hay than phiền không? Bạn có thổi phồng mọi chuyện một cách quá đáng không?
* Ghi ra giấy những gì mình nghĩ
Theo giáo sư tâm lý học Jerry Deffenbacher thuộc ĐH Colorado, rất nhiều người không nhận thức được điều gì khiến họ khó chịu. Để ta dễ chịu hơn khi cảm thấy bực bội, tốt hơn bạn nên để sẵn một tờ giấy và viết ra những tình huống dễ khiến bạn tức giận. Hãy suy ngẫm xem tại sao mình hay nổi giận và điều gì khiến bạn cảm thấy mình đã bị đối xử một cách không công bằng. Hãy thành thật với chính bản thân rằng mình đã đúng khi nổi giận. Bằng cách này, bạn có thể tránh được những điều phiền toái cho mình và kiềm chế được bản thân không nổi giận bất tử.
* Thay đổi hay chấp nhận
Khi cảm thấy "lò lửa" trong mình sắp bùng phát, theo các chuyên gia, bạn hãy thử thay đổi nó hoặc chấp nhận nó. Chẳng hạn như người hàng xóm thường hay đẩy rác bẩn qua sân nhà bạn, đã đến lúc bạn phải sử dụng đến những kỹ năng giải quyết vấn đề. Hãy bình tĩnh trao đổi với người hàng xóm về chuyện này và tìm hướng giải quyết thỏa đáng để làm sự việc tốt hơn. Nếu bạn không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi mọi việc thì hãy chấp nhận điều đó, hít thở sâu và lảng sang chỗ khác.
* Đừng để cái tôi trong bạn nổi loạn
Đã bao nhiêu lần bạn tự hỏi mình rằng "Vì sao điều đó xảy ra cho tôi?" hay "Tôi không đáng phải chịu như thế?". Lối tư duy này dễ làm thức tỉnh cơn giận dữ. Những người thông minh là người luôn nghĩ đến câu: "Một điều nhịn, chín điều lành". Bạn không tin ư? Đến lúc nào đó, bạn sẽ phải nghĩ lại điều này một khi sức khỏe của bạn có vấn đề.
* Hãy để quá khứ trôi qua
Nếu bạn vẫn còn nhớ những điều không vui xảy đến với mình từ lâu rồi thì đã đến lúc để nó ngủ yên. Cuộc sống luôn tiếp diễn và bạn cũng vậy. Hãy cố hiểu mọi người xung quanh, nghĩ rằng chuyện đáng tiếc xảy ra chỉ là tai nạn chứ không phải do mọi người cố tình.
* Điều chỉnh thói quen của mình
Trải qua những điều đã nêu ở trên mà bạn vẫn tiếp tục có những cơn giận dữ, cho dù đó chỉ là một phiền phức nhỏ thì tốt nhất bạn hãy nắm bắt vấn đề khiến bạn nổi giận, tránh nó đi để mình thấy thoải mái hơn. Chẳng hạn, nếu biết rằng thường vào những dịp cuối tuần, rất nhiều người đến cửa hàng thực phẩm đó để mua sắm; sự chen lấn, chờ đợi lúc tính tiền làm mất thời gian khiến bạn bực bội thì tốt hơn bạn nên tránh đi mua hàng vào những ngày đó mà chuyển sang ngày khác thuận tiện hơn.
Cuối cùng, cách thức mà bạn phản ứng với những tình huống khó chịu khiến bạn nổi giận có liên quan đến nhiều yếu tố khác như di truyền, sự giáo dục và văn hóa. Phản ứng của bạn thay đổi hằng ngày tùy thuộc vào tâm tính và cả sự mệt mỏi khi bạn đang sống trong một xã hội bận rộn như hiện nay. Kiềm chế sự giận dữ không những là một kỹ năng sống mà còn kết hợp cả việc giữ gìn sức khỏe của chính bản thân nữa.
. Theo KH&ĐS |