Kết quả cuộc điều tra, khảo sát thu thập thông tin về số trẻ sinh trong năm 2003 trên quy mô 155 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh do Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh tổ chức vừa qua đã xác định tỷ lệ giới tính đang có chiều hướng bất thường: nữ ít hơn nam và nhiều chỉ số đáng quan tâm.
|
Theo dõi, chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa Nhi BVĐK Bình Định |
Theo kết luận của đoàn khảo sát, việc mất cân bằng về giới tính trong năm 2003 là do sự mong muốn có con trai đã khiến nhiều người dùng nhiều biện pháp tác động sinh con theo ý muốn (chủ yếu là sinh con trai). Huyện có tỷ số giới tính thấp là 104%, huyện có tỷ số giới tính cao là 140%. Các huyện đồng bằng có tỷ số giới tính trên 110% trở lên, các huyện miền núi tỷ số giới tính nằm ở mức thông thường.
Trong số 20.324 trẻ sinh ra trong năm 2003, tuổi của người mẹ thấp nhất là 15 và cao nhất là 51. Số trẻ là con đầu có 7.943 em, tỉ lệ 39%; số trẻ là con thứ 2 có 8.003, tỉ lệ 39,4%; số trẻ là con thứ 3 trở lên khoảng 19,6%. Trong số các bà mẹ sinh con lần thứ nhất, chiếm đa số là phụ nữ ở tuổi từ 20 đến 29 với 6.612 trẻ, tỉ lệ 83%; số trẻ sinh ra từ các bà mẹ 15 đến 19 là 184 trẻ, tỉ lệ 2,3%; điều này cho thấy tuổi kết hôn và tuổi sinh con đầu lòng của phụ nữ đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, với tỉ lệ lứa tuổi sinh sản nói trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy mô số con của các cặp vợ chồng, từ đó ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh và tốc độ gia tăng dân số cũng như chất lượng sức khỏe sinh sản. Ở các bà mẹ sinh con thứ 2, nhóm tuổi từ 25 đến 34 sinh nhiều nhất với 6.295 trẻ, tỉ lệ 78,7% của nhóm này. Ở các bà mẹ sinh con thứ 3 trở lên, nhóm tuổi từ 30 đến 42 sinh nhiều nhất với 3.085 trẻ, tỉ lệ 76% của nhóm này. Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trong năm 2003 là 19,6% so với các năm trước có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao.
Năm 2003, toàn tỉnh có 20.324 trẻ được sinh ra, trong đó có 10.916 trẻ em nam chiếm tỉ lệ 53,7% và 9.408 trẻ em nữ chiếm tỉ lệ 46,3%. Như vậy, tỷ số giới tính của trẻ em sinh trong năm 2003 là 116%, cứ 100 bé gái ra đời thì có tương đương 116 bé trai. So với mức sinh thông thường thì tỷ số giới tính năm 2003 của Bình Định là quá cao. |
Nguyên nhân của vấn đề này, theo kết quả khảo sát, là: sinh con một bề, nhu cầu có lao động nam, kinh tế phát triển muốn sinh thêm con hoặc không mong muốn nhưng do không sử dụng hoặc sử dụng thất bại các biện pháp tránh thai.
Về tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi thì số trẻ do các bà mẹ ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 đẻ ra là nhiều nhất với 7.692 trẻ, tỉ lệ 37,8%; số trẻ do các bà mẹ ở nhóm tuổi từ 45 đến 49 đẻ ra là ít nhất với 73 trẻ, tỉ lệ 0,36%. So sánh tỷ suất sinh đặc trưng theo từng nhóm tuổi, có thể thấy rằng hành vi sinh sản của phụ nữ ở các nhóm tuổi chênh lệch nhau khá lớn.
Sự mất cân bằng về giới tính nếu kéo dài trong nhiều năm sẽ là những trở ngại lớn trong công tác DS-GĐ&TE cũng như các vấn đề xã hội khác. Do đó cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ KHHGĐ, cũng như tuyên truyền, chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nhất là trên các địa bàn đông dân cư có mức sinh cao và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
. La Ánh |