Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 600.000 trẻ em bị lây nhiễm HIV/AIDS. Ảnh hưởng của đại dịch này ngày một gia tăng đối với sự sống còn của trẻ em ở các nước đang phát triển. Ở nước ta, mặc dù đã được Chính phủ và các ban ngành, đoàn thể quan tâm bằng nhiều biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn căn bệnh quái ác này, nhưng con số nhiễm bệnh vẫn ngày một gia tăng.
|
Chị Nguyễn Thị Nuôi và cháu bé Thanh Nga bị nhiễm HIV/AIDS thời còn sống ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội |
Đến nay cả nước có trên 76.000 người nhiễm HIV, trong đó số đã chuyển sang AIDS là 11.659 và số tử vong do AIDS là 6.558 người. Ở Bình Định, theo Văn phòng Thường trực phòng chống AIDS, tính đến 30-9-2004, toàn tỉnh đã phát hiện 352 người nhiễm HIV, đã có 166 người tử vong, trong đó có 13 trẻ em.
Ở người lớn, phương thức lây truyền HIV/AIDS chủ yếu qua đường tình dục và đường máu, còn ở trẻ em thì phương thức lây truyền chủ yếu là từ mẹ sang con hoặc qua đường máu. Theo thống kê có trên 80% trẻ bị nhiễm HIV là do lây truyền từ mẹ sang con. Người ta đã tìm thấy HIV có trong sữa các bà mẹ nhiễm HIV và cũng đã có một số trẻ bị nhiễm HIV qua bú mẹ. Song khó đánh giá một trẻ bị nhiễm HIV là do lây nhiễm từ trong bào thai, lúc sinh đẻ hay qua sữa mẹ, bởi vì rất khó chẩn đoán trẻ bị nhiễm HIV lúc mới sinh. HIV cũng có thể lây cho trẻ qua việc sử dụng bơm kim tiêm, dụng cụ chích, làm các thủ thuật, phẫu thuật bị nhiễm HIV mà không được tiệt trùng cẩn thận.
Để phòng chống HIV/AIDS, tổ chức phòng chống AIDS của Liên Hiệp quốc (UNAIDS) đã nhấn mạnh bốn nguyên tắc chung của công ước về quyền trẻ em là: không phân biệt đối xử; vì quyền lợi của trẻ em; sống còn và phát triển; sự tham gia của trẻ em phải được thực hiện để làm giảm bớt những tác hại của HIV/AIDS đối với chúng.
Một trong những biện pháp phòng ngừa tích cực nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ có hiểu biết, có năng lực làm việc với các đối tượng trẻ em khó khăn. Từ những cán bộ này sẽ giúp cung cấp thông tin cơ bản về HIV/AIDS, nâng cao nhận thức về nguy cơ nhiễm HIV/AIDS trong trẻ em, nhất là trong những nhóm trẻ cần được bảo vệ đặc biệt. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nhất là trong độ tuổi vị thành niên, phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình và độ tuổi sinh sản, giúp họ biết rằng HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con và nếu con bị nhiễm HIV thì nguyên nhân tử vong sẽ rất cao.
Bên cạnh việc cung cấp cho các đối tượng trong xã hội và trẻ em có được những kiến thức phòng ngừa HIV/AIDS, chúng ta cũng cần phải chú ý đến những trẻ em không may nhiễm bệnh. Đây là một công việc quan trọng nhằm tránh sự lây lan của HIV ra cộng đồng nói chung và trong nhóm trẻ nói riêng. Những trẻ em nhiễm HIV/AIDS rất ốm yếu về thể lực, cô đơn về tinh thần nên cần được những người thân trong gia đình, bạn bè và toàn xã hội an ủi, động viên và giúp đỡ.
. La Ánh |