Một số thực phẩm quen thuộc như khoai mì (sắn), măng le, nấm... có thể gây ngộ độc trực tiếp cho người sử dụng. Dưới đây là một số hướng dẫn để loại bỏ độc tố khi nấu nướng.
* Khoai mì, măng
|
Sắn (khoai mì) rất dễ ngộ độc nếu không được xử lý tốt |
Hai loại thực phẩm này chứa độc chất acid cyanhydric rất mạnh. Các chất sinh ra acid cyanhydric có nhiều ở vỏ và hai đầu củ khoai mì, có vị đắng, có thể gây tử vong chỉ với 1mg/kg trọng lượng cơ thể. Khi ngộ độc, nạn nhân bị nhức đầu, ù tai, khó thở, tụt huyết áp, hôn mê, co giật rồi chết nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đề phòng: Không ăn khoai mì (sắn) đắng, bỏ vỏ và hai đầu; ngâm củ trong nước một thời gian để acid cyanhydric hòa tan vào nước; luộc cho đến khi sôi, mở nắp nồi để hơi acid thoát ra ngoài.
* Nấm
Nấm là thực phẩm thông dụng chứa nhiều chất đạm, chất béo, chất khoáng, chất xơ. Người dân miền quê thường thu hái nấm hoang mọc trên cành cây, gỗ mục nên đôi khi gặp phải nấm độc. Khi ăn phải nấm độc, nạn nhân bị đau bụng, nôn ói, co giật, có thể dẫn tới tử vong.
Đề phòng: Khi thu hoạch nấm hoang cần thận trọng loại bỏ những loài nấm lạ, nhất là nấm có mầu sắc sặc sỡ.
* Thịt cóc
Thịt cóc không độc, chứa nhiều đạm nên thường dùng làm thực phẩm cho trẻ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên ngộ độc do ăn phải thịt cóc làm không kỹ cũng thường xảy ra. Chất độc bufotoxin gây chết người ở cóc chứa trong mụn, trứng, mật, gan và da cóc. Vì vậy, việc làm thịt cóc phải do người có kinh nghiệm thực hiện. Sau khi ăn thịt cóc làm không kỹ, các biểu hiện ngộ độc thường gặp là rối loạn tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp dẫn đến ngưng thở.
Đề phòng: Nhờ người có tay nghề làm sạch, loại bỏ đầu, 4 chân, lột da, không để chất nhớt dính vào, bỏ hết tạng phủ, rửa thịt cóc bằng vòi nước chảy để loại hết các chất độc còn sót lại.
* Cá nóc
Cá nóc có nhiều loại và độc nhiều hay ít tùy mùa, thường được bán ở chợ dưới dạng khô cá nóc. Độc tố Tetrodotoxin gây tử vong và không bị nhiệt hủy hoại. Đây là loài cá rất độc nên tốt nhất là không ăn.
* Củ dền
Củ dền đỏ thường dùng nấu canh hay súp. Nhiều người thấy củ dền mầu đỏ nên cho là bổ máu, thật ra đó là mầu của betacyannidin, không liên quan đến cấu tạo huyết cầu tố. Nhiều bà mẹ vì muốn "bổ máu" cho con đã nấu nước củ dền pha với sữa cho con bú dẫn đến ngộ độc nitrat - nitrit. Nhiều bé phải nhập viện với tình trạng tím tái toàn thân, khó thở, hôn mê, bất tỉnh.
Đề phòng: Không dùng nước củ dền để pha sữa.
* Vi nấm
Đây là những loại nấm ký sinh trên cây, hạt… mắt thường khó nhìn thấy. Thơm (dứa) là loại trái cây bổ dưỡng nhưng có thể bị nấm độc candida tropicalis xâm nhiễm ở vỏ do mắt thơm bị giập, gây đau bụng, khó thở. Một loại nấm khác không gây độc tức thời nhưng gây ung thư ở người, đó là độc tố aflatoxin do nấm aspergillus flavus tiết ra. Nấm thường bám vào thực phẩm, ngũ cốc như các loại bắp, gạo bị ẩm ướt, nhất là đậu phộng.
Đề phòng: Không sử dụng các trái cây giập nát, không ăn các loại ngũ cốc đã bị biến mầu.
* Cá biển
Một số người dễ bị dị ứng với cá biển như nổi mề đay, ngứa hoặc bị ngộ độc làm tê lưỡi, môi mất cảm giác. Đó là do cá biển ăn phải các phiêu sinh vật lạ rồi cá bé bị cá lớn ăn làm cho độc tố tăng lên.
Đề phòng: Hạn chế ăn các loại cá biển có thể gây dị ứng cho cơ thể như cá ngừ, tôm, cua, sò, ốc…
. Theo Sài Gòn Giải Phóng |