Không ai nghĩ tư thế ngồi vắt chân lại có hại cho sức khỏe. Trông bề ngoài tư thế đó có vẻ bình thường nhưng lại có thể có hại trong một số trường hợp khi những bộ phận có liên quan đến tư thế ngồi này đã yếu, làm cho xương chậu không có tư thế đúng vì cột sống bị vẹo.
- Với khớp gối: ở tư thế ngồi vắt chân, xương bánh chè phải dựa tối đa vào xương đùi. Khi thôi không ngồi vắt chân nữa, phần trước của khớp gối có thể bị đau, nhất là với những người có sụn xương bánh chè đã thoái hóa hoặc bị bệnh hư khớp gối. Đau sẽ hết sau vài phút đi lại. Những người bị tổn thương ở sụn đệm giữa xương chầy và xương đùi (rách hoặc đã lão hóa) thì khi ngồi ở tư thế này sụn đệm càng chịu áp lực nặng hơn, có thể bị xoắn vặn, nhất là khi đã yếu, hậu quả là khi đứng lên cảm thấy đau nhói và có khả năng khớp gối không hoạt động được.
- Với thần kinh tọa: Ở tư thế ngồi vắt chân, thần kinh tọa bị đè ép, gây ra cảm giác kiến bò ở bàn chân và bụng chân, đôi khi rối loạn cảm giác. Nên đứng dậy và đi lại.
- Với tuần hoàn máu: Ở tư thế ngồi này, máu có xu hướng bị ứ đọng ở chi dưới thuộc phần thấp của chi dưới, hậu quả là nề ở mắt cá chân, cảm giác nặng nề ở hai cẳng chân. Để cho tuần hoàn máu tốt hơn, nên xoa bóp nhẹ từ mắt cá trở nên đến đùi. Có thể có nguy cơ tạo cục máu ở một tĩnh mạch của cẳng chân, gây viêm tĩnh mạnh. Khi đó, bụng chân bị cứng, khi co mũi bàn chân về phía thân mình thì thấy đau. Cần nhanh chóng đi khám để hỏi ý kiến của thầy thuốc.
- Khi bị chuột rút: Tư thế ngồi vắt chân càng thuận lợi để gây ra chuột rút, nhất là với những ai vẫn hay bị. Vài động tác vươn vai, duỗi chi sẽ dễ chịu ngay.
Với những người mang thiết bị trợ giúp, cố định khớp háng thì càng không nên ngồi vắt chân, vì có nguy cơ làm cho thiết bị này trật khỏi khớp (xương chậu). Khi đó, không thể đứng dậy được, cẳng chân bị vặn ra phía ngoài quá nhiều và làm biến dạng khớp háng. Trong trường hợp này, cần đưa đi cấp cứu để gây mê toàn thân và chỉnh lại khớp.
. Theo Hà Nội mới |