Bữa cơm gia đình trong đời sống đô thị
16:16', 9/12/ 2004 (GMT+7)

Cuộc sống gấp gáp thời hiện đại khiến nhiều gia đình ở các đô thị lựa chọn ăn cơm hàng, cháo chợ hay thức ăn nhanh (fast-food) thay vì phải nấu nướng. Những bữa cơm gia đình thường xuyên vắng một trong hai trụ cột trong nhà cũng đã ngày càng trở nên phổ biến hơn.

* Những bữa cơm không trọn vẹn

Bữa cơm gia đình thời xưa (ảnh: ST)

Cưới nhau đã gần bốn năm, hai vợ chồng Phú - Ngà đã mua nhà riêng nhưng chẳng mấy khi Ngà đi chợ nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Bình gas 6kg mua từ hồi tháng ba đến giờ vẫn còn quá nửa. Hai vợ chồng thường xuyên ăn cơm quán. Cả hai đều là công nhân, tan ca muộn nên buổi trưa mạnh ai nấy ăn. Buổi chiều, về nhà sớm nhưng Ngà cũng chẳng muốn đi chợ nấu cơm, chỉ ngồi xem ti vi chờ chồng về đi ăn quán, thích gì ăn đó. Ngà tâm sự: "Tôi là con út trong nhà, nấu nướng không thạo, lại đang có con nhỏ. Trước ở chung thì nhờ mẹ chồng, giờ ra riêng lại càng bận bịu hơn. Thôi thì ăn quán cho tiện".

Chị Mỹ Hoa làm thông tầm tại KCN Phú Tài trưa không về nên anh chồng ăn ké nhà nội. Gia đình chỉ ăn với nhau bữa chiều. Từ hai năm nay bữa cơm thường chỉ có mẹ và con, còn anh thường xuyên không ăn cơm tối vì hay nhậu với các bạn bè, đối tác. Lúc đầu, chị Hoa nấu nướng, lên mâm lên bát xong, hai mẹ con ngồi đợi anh về cùng ăn cơm. Đợi mãi thức ăn đã nguội ngắt, thằng bé than đói bụng thì điện thoại réo: "ăn trước đi, anh đang có độ". Đã quá quen, chị không thèm đợi nữa, cứ đến giờ là hai mẹ con ăn cơm. Tuy không nói ra nhưng hai vợ chồng ngầm thỏa thuận với nhau: anh chỉ ăn cơm nhà vào tối cuối tuần và hai ngày nghỉ. "Quen rồi, ít về ăn càng khỏe", chị nói nhưng mắt buồn rười rượi.

* Đâu chỉ là bữa ăn

Thống kê tại các thành phố lớn cho thấy, có đến 30-40% gia đình vì công việc phải đi ăn cơm hàng cháo chợ. Thậm chí, có gia đình ông chồng hoặc vợ vì công việc một tuần mới ăn cơm nhà một lần. Nhịp sống ở Quy Nhơn tuy chưa hối hả gấp gáp nhưng hiện nhiều gia đình, vì nhiều lý do khác nhau, đang có xu hướng đơn giản hóa bữa ăn của gia đình bằng cách đi ăn cơm hàng, mua thức ăn sẵn. Lâu lâu vợ chồng con cái mới quây quần ăn cơm cùng nhau.

Sự thiếu vắng của các trụ cột gia đình trong bữa cơm hẳn sẽ phần nào làm nguội lạnh các sinh hoạt khác trong gia đình như chơi đùa với con, dạy con lối sống, hỏi han trò chuyện với con cái... Theo các chuyên gia, bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là luôn tạo được bầu không khí ấm cúng. Bữa cơm gia đình góp phần tạo ra điều ấy khi cả nhà cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ quanh mâm cơm gia đình.

Chị Nguyễn Thị H., chủ một doanh nghiệp, tâm sự: "Vợ chồng tôi suốt cả ngày ở công ty, tối đến mới về nhà. Bữa trưa đã có người nhà lo cho các cháu. Còn bữa tối, dù bận thế nào vợ chồng tôi cũng cố gắng thu xếp về ăn tối cùng các con. Ngày nghỉ, tôi đi chợ, nấu ăn. Theo tôi, bữa ăn gia đình đâu chỉ đơn giản là để ăn mà đó còn là dịp để cả gia đình quây quần. Trong bữa ăn, chúng tôi trò chuyện, hỏi han con trẻ, qua đó dạy dỗ chúng".          

. Hoàng Lan

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Các nguyên nhân gây thiếu vitamin  (09/12/2004)
Không nên thường xuyên ngồi vắt chân  (08/12/2004)
Đồ vest cho mùa đông  (07/12/2004)
Uống nước có thể cải thiện huyết áp  (07/12/2004)
Khởi động một ngày mới  (06/12/2004)
Mười lời khuyên khi sử dụng máy tính   (05/12/2004)
Hàng giảm giá - sự lựa chọn của nhiều người  (03/12/2004)
Những thực phẩm dễ gây độc   (03/12/2004)
Mẹo vặt: Tẩy vết bẩn dầu mỡ  (03/12/2004)
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lây nhiễm HIV   (01/12/2004)
Món ăn từ củ cải, chữa bệnh ung thư   (01/12/2004)
Nên thận trọng khi dùng "mỹ phẩm xách tay"   (30/11/2004)
Uống gì trong 8 giờ làm việc tại văn phòng?   (29/11/2004)
Không phải thực phẩm giàu canxi nào cũng tốt cho xương  (29/11/2004)
Đề phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em trong mùa lạnh  (26/11/2004)