Con hư, lỗi tại ai?
15:40', 30/12/ 2004 (GMT+7)

Con cái là niềm hy vọng của bố mẹ. Thật đau lòng khi bậc sinh thành phải chứng kiến thấy con lớn lên, thành những kẻ lêu lổng, trộm cắp... Lỗi tại ai đây?

* Nổi loạn

Con cái hư hỏng một phần do bố mẹ thiếu quan tâm đến việc dạy dỗ, học hành...

Mấy ngày nay, ba gia đình ở KV6 phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn mất ăn mất ngủ, chạy nháo nhào kiếm con. Ba cậu con trai đang học lớp 9 của họ, sau khi "khoắng" của gia đình gần triệu bạc, đã rủ nhau bỏ nhà đi qua đêm, báo hại các bậc phụ huynh huy động tất cả các thành viên trong nhà đi lùng sục mọi xó xỉnh trong thành phố, thậm chí vào cả nhà xác... mà vẫn bặt vô âm tín. Sau cùng một người mách nước: "Thấy chúng đáp xe Gia Lai". Sau hai ngày hai đêm, các quý tử mới mò về, trong người chỉ còn mấy ngàn bạc. Cha mẹ tra hỏi, các cậu khai: "Chúng con lên trên đó, thuê nhà trọ ngủ, rồi đi chơi. Hết tiền mới về". Chẳng biết chuyến đi đó có tác động như thế nào mà về nhà, thằng N.V. Nhân con chị Thủy, tuyên bố "xanh rờn": "Con muốn nghỉ học, đi học nghề, kiếm tiền sướng hơn".

So với Nhân, thì T.V. Hùng - đang học lớp 8 có "bề dày thành tích hơn nhiều", bỏ nhà một, hai ngày đi theo "tiếng gọi giang hồ" đã là chuyện thường. Ba mẹ của Hùng đều là cán bộ làm trong những ngành có thu nhập cao. Mẹ của Hùng, kế toán trưởng của một ngân hàng, không hề tiếc con thứ gì. Con xin bao nhiêu tiền chị cũng cho, không cần biết con cần tiền để làm gì. Cách đây gần một tháng, Hùng bỏ nhà đi đến 3-4 ngày, báo hại ông bố phải điều thêm người đi kiếm giúp và nhờ cả công an dọa nạt nó mới chịu khai ra là đi chơi với ai, làm gì. "Cháu chơi với mấy anh học lớp 10, 11 nhưng nghỉ học hết rồi. Vào quán, bọn cháu kêu cả két bia, uống giáp vòng với nhau"- Hùng khai. Sau đận đó, gia đình tưởng đã êm xuôi, ai dè nó lại đi tiếp. Lần này nó "ẵm" theo một thẻ tiết kiệm vài chục triệu của bà nội.

14 tuổi đầu, đọc viết còn chưa thông thạo nhưng nói về kinh nghiệm ăn chơi, đua đòi thì Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1990) ở tổ 11, KV3, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn có thừa. Thảo thường hay kết bạn với đám bạn bè xấu lê la các quán cà phê, karaoke. Hết tiền cô bé còn rủ đám bạn cùng hội cùng thuyền ăn cắp nhà hàng xóm. Để cách ly khỏi đám bạn xấu, gia đình Thảo đã gởi con lên nhà bà cô ruột là bà Nguyễn Thị Trúc Mai ở tổ 12, KV5, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn. Không ngờ, ở nhà cô ruột của mình mà Thảo vẫn giở thói cũ, trộm cắp tiền, vàng của cô, trị giá trên 6 triệu đồng tiêu xài. Trước đó, Thảo đã cùng một số bạn bè khác trộm 1 triệu đồng và 1.200USD của một ngôi nhà ở tổ 13, KV3 Hải Cảng. Tất cả số tiền lấy được Thảo cùng bạn bè ăn tiêu, hát karaoke…

Chỉ tính riêng thống kê của Công an thành phố Quy Nhơn, năm 2004 toàn thành phố có 736 đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, 134 thanh thiếu niên phạm tội, 24 học sinh - sinh viên bị truy tố, 189 trẻ em làm trái pháp luật… Nguyên nhân chính dẫn đến ăn cắp, cướp giật là để thỏa mãn ăn uống, tiêu xài như chơi games, chát, uống cà phê, hát karaoke…

* Lỗi tại ai?

Hôm Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn xử vụ bảy học sinh đang học lớp 10, trong đó có 4 học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn, phạm tội cướp giật tài sản, nhiều vụ phụ huynh có con phạm tội đã không cầm được nước mắt, thậm chí có người còn ngất xỉu. Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 2 đén tháng 5-2004), bảy bị cáo này đã tiến hành 14 vụ cướp giật, cưỡng đoạt tư trang của người khác chỉ vì để có tiền uống cà phê và hát karaoke. Khi chủ tọa hỏi một vị phụ huynh: "Con chị bỏ nhà đi chơi với bạn nhiều lần, có lúc đến 23 giờ mà chị không biết sao?", mẹ của một bị cáo tham gia tới 12 vụ cướp chỉ biết khóc. Công việc của cả hai vợ chồng chị hầu hết đều phải trực đêm (hộ lý và bảo vệ), không có thời gian quan tâm đến con nhiều. Còn cha của một bị cáo khác đã khóc mà nói: "Tôi đã sai lầm khi cho con mình vào Quy Nhơn trọ học mà thiếu giám sát!". Hậu quả của sự thiếu quản lý, giám sát con cái thật đau lòng.

Thiếu tá Lê Đình Triều, Trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an thành phố Quy Nhơn nhận xét: "Số trẻ vi phạm pháp luật ngày nay, phần đông lại rơi vào các gia đình có bố mẹ là công chức hoặc buôn bán. Họ có tiền nhưng thiếu thời gian quan tâm đến việc học hành, sinh hoạt của con cái. Trong khi đó, số trẻ đã nghỉ học lại rủ rê, xúi giục trẻ con nhà có tiền theo chúng làm bậy". Trong khi đó, theo ông Trương Quốc Dũng, Phó chánh án TAND thành phố Quy Nhơn, con cái hư hỏng, một phần là do bố mẹ thiếu quan tâm đến việc dạy dỗ, học hành của chúng, và quan trọng nhất là họ đã không biết cách giáo dục ngay từ nhỏ để con cái có thể phân biệt được cái tốt, cái xấu. Chuyện con cái hư hỏng ngày nay là hậu quả của việc "bé không vin, lớn gãy cành"…

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cây thuốc nam vào nhà dân   (30/12/2004)
Nguyên tắc khi uống thuốc viên  (30/12/2004)
Nỗi oan của 8 loại thực phẩm   (29/12/2004)
Châm cứu làm giảm nguy cơ viêm khớp   (28/12/2004)
Sành điệu  (28/12/2004)
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhìn từ góc độ người sản xuất   (27/12/2004)
Chữa bệnh tim bằng thịt rùa  (26/12/2004)
Uống nước khắc phục chứng tụt huyết áp khi đứng dậy  (24/12/2004)
Cà rốt chống lại bệnh tật  (23/12/2004)
Hiểm họa tiềm ẩn từ... muối ăn   (23/12/2004)
Áp lực công việc hại tim  (22/12/2004)
Dưỡng sinh tâm thể - Liều thuốc trị bách bệnh?  (21/12/2004)
Hãy cảnh giác với cảm lạnh và cúm  (21/12/2004)
Ăn gì để ''trẻ mãi không già''?  (20/12/2004)
Toa rượu bổ của Chủ tịch Mao Trạch Đông tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/12/2004)