Cải thiện điều kiện lao động: Chưa đủ!
16:39', 14/3/ 2004 (GMT+7)

"Cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các làng nghề và trong sản xuất nông nghiệp" là chủ đề của Tuần lễ quốc gia an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) năm nay. Ở tỉnh Bình Định, nhiều năm qua, tình hình thực hiện công tác này tuy đã có biến chuyển, nhưng vẫn còn có những hạn chế nhất định…

* Nơi có, nơi không

Khai thác và chế biến đá granite - một nghề luôn phải đối mặt với TNLĐ (ảnh: Bá Phùng)

Trong những năm gần đây, mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã nhận thức được tầm quan trọng, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác an toàn và vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi, kể cả DNNN chưa thật sự chú ý đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này, thậm chí có DN còn trang bị theo kiểu đối phó với các đợt thanh, kiểm tra, nhất là các DN trong ngành xây dựng, khai thác đá, vận hành thiết bị chịu áp lực. Còn với các cơ sở sản xuất nhỏ thì tuân thủ các quy định về ATVSLĐ vẫn là chuyện xa vời. Qua công tác thanh, kiểm tra, ngành chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ hầu như không nắm được các văn bản pháp quy của Nhà nước về BHLĐ. Vì vậy, các nội dung về BHLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc, không đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất.

Không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATVSLĐ thì chuyện TNLĐ xảy ra là hệ quả tất yếu. Thống kê cho thấy, trong số các vụ TNLĐ đã xảy ra, nguyên nhân do vi phạm quá trình kiểm tra ATLĐ chiếm 29,67%, do thiết bị sản xuất không an toàn: 1,1%, DN không có biện pháp kiểm tra ATLĐ: chiếm 1,1%, do các nguyên nhân khác chiếm 68,13%.

Theo báo cáo của các DN, năm 2002 toàn tỉnh có 79 vụ TNLĐ làm 9 người chết, 61 người bị thương nặng, 12 người bị thương nhẹ. Năm 2003 đã có 10 người chết vì TNLĐ. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều vụ TNLĐ xảy ra nhưng các DN cố tình không báo cáo để "giải quyết nội bộ". Theo thống kê thì có đến 76,2% trường hợp TNLĐ xảy ra là do lỗi của người sử dụng lao động

* TNLĐ - Nguy cơ rình rập

Chị N. làm việc tại một công ty gỗ ở KCN Phú Tài đã nhiều năm nay. Thời gian đầu chị thấy bình thường nhưng chừng hơn một năm trở lại đây chị hay bị sổ mũi, nhức đầu. Đi khám, chị mới biết là mình bị viêm xoang vì hít phải bụi gỗ nhiều quá. Trong khi đó, công nhân tại các cơ sở chế biến hải sản hay bị lở tay, nước ăn chân và tê thấp. Công nhân may thì lại đối mặt với những nguy cơ về bệnh liên quan đến phổi, thận do điều kiện làm việc tạo ra. Đó là những trường hợp NLĐ đã bị mắc bệnh nghề nghiệp.

Năm 2003 cả nước xảy ra 3.896 vụ TNLĐ và 2.519 vụ cháy làm chết 650 người. 44,7% vụ TNLĐ xảy ra là do người sử dụng lao động vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn trong các lĩnh vực xây dựng, sử dụng các thiết bị điện, các thiết bị nâng, chịu áp lực, khai thác khoáng sản.

Trên 20 tỉ đồng đã bị thiệt hại từ TNLĐ, trong đó gần 19 tỉ đồng tiền thuốc men, bồi thường và mai táng và hơn 2 tỉ đồng thiệt hại về tài sản. 59.796 ngày công đã bị nghỉ do TNLĐ.

Chỉ có 7/3.896 vụ TNLĐ bị đề nghị truy tố trước pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa vụ nào có kết quả.

Theo quy định của Bộ Luật lao động, người chủ sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo chế độ quy định, trang bị đầy đủ các phương tiện BHLĐ bảo đảm ATLĐ cho NLĐ. Thế nhưng ngoại trừ các DNNN, còn các DN dân doanh vẫn chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Một nhóm công nhân làm gỗ ở KCN Phú Tài cho biết: "Quần áo BHLĐ cho công nhân, chúng tôi cũng phải nộp 70.000 đồng mới được hai bộ. Xưởng chỉ cấp mũ và khẩu trang thôi". Anh Hoành, công nhân làm việc tại một công ty khai thác đá, bức xúc: "Giày bảo hộ lao động, quần áo có cả đấy nhưng chẳng biết là loại gì mà chỉ dùng hai tuần là giày... hả mỏ. Quần áo thì làm việc nặng nhọc như tôi chẳng chịu được mấy bữa. Vậy là đâu lại vào đấy!".

Ngoài nguy cơ mắc phải bệnh nghề nghiệp, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ TNLĐ luôn rình rập. Theo ghi nhận của chúng tôi, về phía NLĐ, do đa phần xuất phát từ nông thôn đi làm thuê, không được đào tạo qua trường lớp; các DN thì chưa thực sự chú trọng đến công tác huấn luyện ATLĐ nên NLĐ hầu như chỉ được hướng dẫn thao tác công việc ít được hướng dẫn các biện pháp ATLĐ, cảnh báo những nguy hiểm nên TNLĐ thường xảy ra. Sơn, một công nhân mới vào làm gỗ ở xưởng T.L tại KCN Phú Tài le lưỡi: "Làm máy, nhiều khi sơ sẩy một tí là đi cả bàn tay chứ chẳng chơi, nhất là khi buồn ngủ. Em mới vào, chỉ được bày vẽ chút ít, chưa quen tay, suýt bị "ăn" mấy lần".

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 600 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và hàng ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh cỡ vừa và nhỏ tại các huyện, thành phố. Muốn cải thiện được tình hình ATVSLĐ, ngoài việc hướng dẫn, tuyên truyền, cần phải tiến hành công tác thanh, kiểm tra thường xuyên để đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, hàng năm chỉ có khoảng 40-50 đơn vị được thanh tra, kiểm tra kể cả về ATVSLĐ và chính sách lao động. Như vậy, nếu chỉ kiểm tra riêng các đơn vị DN sản xuất cũng phải mất cả chục năm mới lại giáp vòng đơn vị đầu tiên. Mà muốn biết họ thực hiện tốt hay không hoặc để giúp họ thực hiện tốt hơn lên thì ít nhất hai, ba năm phải đi kiểm tra lại một lần. Nếu không tăng số lần kiểm tra thì làm sao đáp ứng?

. Trường Thịnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nên ăn đu đủ hàng ngày   (12/03/2004)
Có con bằng cách cấy tế bào trứng dưới da: hi vọng sinh sản cho phụ nữ mắc bệnh ung thư   (11/03/2004)
Mật ong   (10/03/2004)
Chiết xuất từ khoai lang trắng có thể trị bệnh tiểu đường   (09/03/2004)
Giấy gói quà tặng   (08/03/2004)
Bí quyết giữ gìn sức khỏe của phái đẹp  (07/03/2004)
Tặng hoa trong ngày 8-3  (05/03/2004)
Sự thật và huyền thoại về cholesterol   (04/03/2004)
Cúm và viêm đường hô hấp cấp   (03/03/2004)
Uống thuốc bắc và thuốc nam như thế nào để có tác dụng?   (02/03/2004)
Ăn ổi, dưa hấu... giúp trị bệnh tim  (01/03/2004)
Cách sử dụng bếp gas  (29/02/2004)
Bệnh nấc cụt   (27/02/2004)
Đi bộ - phương pháp đơn giản, hiệu quả để tăng cường sức khỏe  (26/02/2004)
Ăn gì để tăng sức tập trung?  (25/02/2004)