Theo điều tra, một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân lao sau nhiều đợt điều trị vẫn không thấy tiến triển, kết quả xét nghiệm tìm vi khuẩn lao luôn dương tính, được thể hiện là AFB (+). Đây chính là mối nguy hiểm của bệnh lao kháng thuốc.
Lao là một bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là lao phổi, có khả năng lây lan nhanh chóng, chủ yếu qua đường hô hấp do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra (tên thường gọi là vi trùng Koch, viết tắt là BK: Bacillus de Koch). Trong một số điều kiện, để tránh bị phát hiện, chúng khôn ngoan "ém quân" ở trạng thái "yên nghỉ" một thời gian dài trong cơ thể người (ở thể "ngủ", thuốc hầu như bị vô hiệu hóa). Có khi, BK tự tạo ra khả năng thích nghi trong môi trường thuốc, đây là nguyên nhân tại sao, bệnh nhân uống thuốc lao lại không khỏi. Nguyên nhân này được bắt nguồn từ tình trạng bệnh nhân lao tự điều trị không đúng cách, dùng thuốc trị lao không đủ thời gian, liều lượng nên vi khuẩn mới có điều kiện thích ứng dần với môi trường thuốc chống lao. Một số bệnh nhân lao mặc cảm vì sợ dư luận cộng đồng làm ảnh hưởng đến gia đình nên tự ý mua thuốc về dùng, hậu quả là bệnh ngày càng nặng, khi đến bệnh viện thì lao đã kháng thuốc rồi. Một số người sau khi uống thuốc kháng lao, thấy "êm êm", tự động cắt thuốc là tạo điều kiện cho vi khuẩn lao "lờn" thuốc.
Theo các nhà khoa học, lao kháng thuốc có hai loại: 1- Kháng thuốc tiên phát: xảy ra khi bệnh nhân trước đó chưa bao giờ điều trị bằng thuốc lao, nhưng họ vô tình nhiễm lao trong cộng đồng do hít phải không khí có vi trùng lao đã kháng thuốc từ bệnh nhân lao khác. 2- Kháng thuốc thứ phát: hay còn gọi là kháng thuốc mắc phải: xảy ra khi bệnh nhân đã bị lao nhưng điều trị không đúng quy định như đã viết ở trên và chính họ đã làm cho vi khuẩn kháng thuốc, lây lan cho cộng đồng.
Bệnh nhân lao sẽ chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách: đủ thời gian, đủ liều lượng theo chiến lược: hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp DOTS.