Đầu tháng 6-2001, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá (TL) tỉnh triển khai chương trình "Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của TL giai đoạn 2000-2010 tỉnh Bình Định". Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong việc hạn chế tỷ lệ người hút, tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng về tác hại TL… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn lắm gian nan!
* Những tín hiệu đáng báo động
|
Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện chuyên khoa lao Bình Định |
Trong quá trình triển khai chương trình, năm 2001 ngành y tế đã tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng hút TL với những người trên 14 tuổi tại 40 cụm dân cư thuộc 10 huyện, thành phố và 800 cán bộ thuộc các cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh. Những thông tin từ cuộc khảo sát cho thấy nhiều tín hiệu đáng báo động.
Tỷ lệ nam giới hút TL là 50,1%, trong đó nông dân chiếm 52,6% và 62,8% số người hút thuốc được phỏng vấn có trình độ từ cấp 2 trở xuống. Lứa tuổi bắt đầu hút TL dưới 15 tuổi chiếm 7,5% và có đến 77,6% ở lứa tuổi 16 - 25 bắt đầu hút thuốc. 82,3% người có thời gian hút TL trên 5 năm và 27,4% hút trên 25 năm. 62% người hút TL hút trên 10 điếu/ngày. Điều này có nghĩa, tuổi bắt đầu hút TL càng nhỏ thì thời gian hút thuốc càng kéo dài và khả năng nghiện thuốc càng cao. Gần 80% số người nghiện thuốc luôn hút thuốc nơi đông người, ngay cả những người có học vấn từ trung học, cao đẳng trở lên cũng có 59% số người có hành vi này. Đáng chú ý là có đến 48,8% người cai thuốc đã hút lại sau một thời gian ngắn…
* Còn lắm gian nan!
Ông Phan Văn Hớn - thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của TL tỉnh cho biết: "Sau 3 năm triển khai chương trình tại Bình Định, thống kê từ kết quả giám sát của các đơn vị, tỷ lệ CBVC nhà nước hút TL giảm từ 30,5% năm 2001 xuống còn 17,85% vào cuối năm 2003. Số người đăng ký bỏ TL, hiểu biết về tác hại của TL cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ vẫn còn lắm gian nan và còn nhiều việc phải làm!".
Trước hết, đó là sự phối hợp thiếu đồng bộ, thái độ chưa thật sự vào cuộc của các đơn vị từ tỉnh đến huyện. Khi phát động chương trình, các ban ngành đều có thành lập ban chỉ đạo và tuyên truyền, vận động hưởng ứng khá rầm rộ ở từng đơn vị nhưng càng về sau, các đơn vị lơi dần. Các ban chỉ đạo hoạt động rời rạc, mang tính hình thức và hầu như chỉ làm qua loa cho xong chuyện. Nhiều cơ quan đã tiến hành cho các cá nhân và tập thể đăng ký cam kết không hút TL tại nơi làm việc, đưa chỉ tiêu này vào xét thi đua khen thưởng cuối năm. Song chỉ được vài ba tháng rồi "đâu vẫn hoàn đấy". Nếu trong năm 2001 có 30 đơn vị tham gia ký kết có báo cáo giám sát thì đến năm 2002 còn lại 26 đơn vị và tiếp tục giảm xuống còn 19 đơn vị, chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh. Vì thế, chỉ tiêu 100% CBVC nhà nước khối hành chính sự nghiệp không hút TL đến cuối năm 2001 vẫn không thực hiện được như kế hoạch đã đề ra.
Chính phủ có chủ trương cấm bán TL cho người dưới 18 tuổi, nhưng quy định chế tài để thực hiện vẫn chưa đủ mạnh. Cũng như vậy, các quy định trong việc ghi rõ hàm lượng chất độc, lời cảnh báo tác hại TL trên bao bì và tại nơi bán mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, vận động là chính (hoặc có thực hiện cũng rất lỏng lẻo). Đội ngũ các dịch vụ bán buôn, bán lẻ TL, các hình thức tiếp thị TL tinh vi, hoạt động khá "rầm rộ" nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Đáng ngại hơn, theo Chi cục Quản lý thị trường, từ năm 2003 đến nay, lực lượng quản lý thị trường chỉ phát hiện có 4 vụ buôn bán, vận chuyển TL ngoại nhập lậu, trong khi trên thị trường bán lẻ, thuốc lá ngoại vẫn ê hề, điều này chứng tỏ tình hình vẫn khá phức tạp.
Bình Định có số đối tượng thanh thiếu niên hút TL rất cao (77,6%) nhưng các hình thức giáo dục lại rất hạn chế và thiếu hiệu quả. Kiến thức về tác hại TL mới chỉ lồng ghép vào bài học sức khỏe của học sinh. Trong khi đa phần người bỏ TL chủ yếu từ quyết tâm của bản thân. "Kênh" thông tin tác động từ cán bộ y tế chỉ chiếm 4,3%. Do đó, 48,8% người hút TL cai thuốc đã quay trở lại. Và do vậy, công cuộc tuyên truyền, vận động phòng chống tác hại của TL vẫn phải tiếp tục được đầu tư nhiều và thường xuyên hơn.
. Lê Thu Hiền
|