Ở một thôn có nhiều người bỏ thuốc lá
16:8', 25/5/ 2004 (GMT+7)

Từ một làng quê nghèo có đến 75% người dân hút thuốc lá (TL), sau khi được chọn làm mô hình điểm tuyên truyền, vận động người dân bỏ TL, số người hút TL ở thôn Vinh Kiên (Cát Hanh - Phù Cát) đã giảm hẳn.

Thôn Vinh Kiên có 123 hộ gia đình, 515 nhân khẩu của thôn sống chủ yếu bằng nghề nông. Cũng như bao làng quê khác, người Vinh Kiên cũng có thói quen dùng "điếu thuốc làm đầu… câu chuyện" từ việc tang chế, cưới xin, giỗ tết đến giao tiếp hằng ngày. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Bí thư chi bộ thôn, cho biết: "Cách đây vài năm, ở Vinh Kiên có nhiều nhà có tới 2-3 người "ghiền" TL. "Ghiền" đến mức họ trồng cả cây TL để... quấn hút cho đã". Đó chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người "ghiền" TL ở thôn Vinh Kiên khá cao.

Năm 2003, để có cơ sở xây dựng mô hình khu dân cư tiên tiến trong phòng chống tác hại của TL ở thôn Vinh Kiên, Sở Y tế đã tổ chức một đợt khảo sát về tình hình hút TL tại đây. Kết quả cho thấy: 75% người dân trong thôn hút TL (chiếm 55% trong dân và 95% trong cán bộ), 83% hộ gia đình sử dụng TL trong tiếp khách, trên 80% người dân không hiểu hoặc hiểu biết rất mơ hồ về tác hại của TL. Đến tháng 7-2003, UBMTTQVN tỉnh và ngành Y tế cùng chọn triển khai mô hình điểm khu dân cư bỏ thuốc lá tại Vinh Kiên và đến nay đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Chủ trương bỏ thuốc lá được đưa ra quán triệt trong cấp ủy, chi bộ Đảng, đến từng đảng viên và đội ngũ cán bộ, hội đoàn thể. Lãnh đạo thôn xác định đây là một tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên, chi tổ hội đoàn thể trong sạch vững mạnh, gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Hình thức tuyên truyền về tác hại của TL được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể. Ngoài các bài học lý thuyết, còn có tranh ảnh trực quan sinh động và phong phú tuyên truyền theo kiểu mưa dần thấm lâu. Tờ rơi được cấp phát đến tận tay người dân, các cụm pano, áp phích được xây dựng từ cổng và dọc con đường vào làng. Mặt khác, các tổ chức hội, đoàn thể của thôn cũng đều có kế hoạch cụ thể của riêng mình để vận động hội, đoàn viên cùng tham gia. Sau đó, từng chi hội, đoàn thể tự đăng ký cam kết không có người hút TL.

Sau 6 tháng triển khai, nhận thức của người dân Vinh Kiên về tác hại của TL đã có sự chuyển biến rất đáng kể. Ông Nguyễn Đình Phụng, một công dân ở Vinh Kiên bộc bạch: "Ban đầu tôi cũng chỉ thử hút chơi nhưng lâu dần rồi quen. Sau này, được biết hút TL không có lợi gì, lại còn có đến 3 tác hại: về sức khỏe, về vệ sinh môi trường và tốn tiền. Vậy thì, tội gì mình không bỏ TL để thêm 3 cái lợi nữa".

Bây giờ không chỉ có ông Phụng mà hầu hết người dân trong thôn đều nhận biết được điều này. Trong một đợt khảo sát mới đây của Ban Thường trực phòng chống tác hại của TL (Sở Y tế) để kết thúc mô hình năm 2003 cho thấy phong trào bỏ thuốc lá ở thôn Vinh Kiên đã có những tiến bộ đáng mừng: không còn người dưới 15 tuổi hút thuốc; tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 75% giảm xuống còn 26,5%; tỷ lệ người hút chỗ đông người giảm từ 96% xuống còn 9%; trên 81% người dân thấy rõ tác hại của TL; 83% hộ gia đình không sử dụng TL trong tiếp khách…

Thôn Vinh Kiên vẫn đang tiếp tục vận động người dân, nỗ lực duy trì thành tích này bởi theo ông Hùng, nỗi lo tái nghiện vẫn chưa bao giờ hết trong Ban chỉ đạo của thôn và cả những người đang bỏ thuốc.

. Hiền Lê

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá: Còn lắm gian nan!   (25/05/2004)
Tắm vì sức khỏe   (24/05/2004)
Xem giờ để tập thể dục   (21/05/2004)
Các món dược thiện từ ốc   (21/05/2004)
Áp dụng Phakic IOL để chữa cận thị - 23,5 độ  (20/05/2004)
Không nên ép trẻ nhỏ thuận tay trái phải tập thuận tay phải  (20/05/2004)
Dùng lâu Tobicom để chữa nhức mỏi mắt có tốt không?  (19/05/2004)
Sử dụng cà phê đúng cách  (19/05/2004)
Dầu mỡ dùng lại: Tiết kiệm nhưng hại cho sức khỏe   (18/05/2004)
Người tiêu dùng chuyển hướng tiêu thụ   (18/05/2004)
Điều trị bệnh ung thư bằng virus   (17/05/2004)
Nên ăn ít muối để tránh bị tiểu đường  (17/05/2004)
Vitamin B ngăn ngừa gãy xương  (16/05/2004)
Các bệnh mùa hè cần tránh  (14/05/2004)
Phát hiện gen gây suy yếu một số chức năng ở trẻ sơ sinh  (13/05/2004)