Tủ lạnh không thể làm ngưng quá trình phân hủy của thực phẩm vì trong đó, vi khuẩn vẫn sống.
Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thực phẩm tốt. Nhờ nó, thức ăn được giữ lâu hơn. Nhưng không nên nghĩ rằng cứ để thức ăn vào tủ lạnh là an tâm, vi khuẩn sẽ không thể sống được. Vì có quan niệm sai lầm này mà nhiều người bị bệnh đường tiêu hóa, thậm chí nhiễm khuẩn, ngộ độc sau khi ăn trứng sống, bánh kem, thịt đông, thức ăn chín... lấy từ tủ lạnh.
Ở nhiệt độ từ 0 đến âm 4 độ C của tủ lạnh, vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá hủy. Thực tế, chúng chỉ tạm thời "ngủ yên", đợi khi ra khỏi tủ lạnh, gặp điều kiện nhiệt độ bình thường sẽ hoạt động trở lại. Như vậy, nếu thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh đã có vấn đề thì khi đưa ra ăn, chúng vẫn gây độc.
Mùa hè là mùa của những dịch bệnh đường tiêu hóa; mà các vi khuẩn gây bệnh này (như tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn) đều chịu lạnh giỏi. Để phòng tránh bệnh tật, trong gia đình hoặc bếp ăn tập thể dù có tủ lạnh vẫn phải chú ý giữ gìn vệ sinh thực phẩm thật tốt. Nước dùng làm kem, làm đá phải là nước đã đun sôi. Thức ăn chín muốn để dành phải đưa ngay vào tủ lạnh chậm nhất là 4 giờ sau khi xào nấu xong. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh, phải làm nóng lại và ăn ngay, không để lâu quá 4 giờ ở nhiệt độ trong nhà.
Những thức ăn sống như thịt, cá... muốn để dành phải cất vào tủ lạnh ngay sau khi giết thịt súc vật, không được để chậm quá 4 giờ. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh, phải chế biến ngay. Đối với những thực phẩm không biết chắc chắn được giết mổ hoặc chế biến từ bao giờ, rất có thể đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố của vi khuẩn, cần phải chế biến ngay hoặc đun nấu lại cẩn thận trước khi cho vào tủ lạnh.
Cần nhớ rằng tủ lạnh không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, những thức ăn đưa vào đó phải tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn.
. Theo Kiến thức gia đình |