Dùng màu công nghiệp, hàn the, phooc môn, phân u rê… để chế biến và bảo quản thực phẩm là những dạng vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phổ biến mà nhiều người tiêu dùng (NTD) đã biết và đã từng là nạn nhân. Vấn đề bảo vệ NTD trước "ma trận" thực phẩm đã được nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp có uy tín đặt ra tại Hội thảo "Chất lượng, VSATTP cho NTD", vừa được tổ chức vào cuối tháng 5-2004.
* Thách thức vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo thống kê của bà Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - trong 4 tháng đầu năm 2004, trên địa bàn Bình Định đã có 102 ca ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Về nguyên nhân gây NĐTP, có hơn 80% số ca ngộ độc do vi sinh vật, còn lại là ngộ độc do hóa chất.
Quy Nhơn hiện có 1.087 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thực phẩm (TP) có giấy phép kinh doanh, có địa chỉ, trong đó có 842 cơ sở kinh doanh ăn uống. Còn những cơ sở kinh doanh trên vỉa hè, lề đường, thậm chí buôn bán trên cống thoát nước thải thì cơ quan quản lý nhà nước không thể thống kê và quản lý được. Những cách thức vi phạm tiêu chuẩn VSATTP cũng thiên hình vạn trạng: dùng hàn the, phooc môn, phân u rê, màu công nghiệp, nguyên liệu kém chất lượng để chế biến và bảo quản TP, bán hàng quá date, hàng không nhãn mác hoặc ghi nhãn không rõ ràng…. Đã có lần cơ quan chức năng Bình Định phát hiện một cơ sở kinh doanh nọ đưa bia lon quá date vào nhà hàng, lợi dụng những trường hợp khách đã hơi quá chén và không chú ý đến hạn sử dụng để tiêu thụ sản phẩm.
Về VSATTP trong các loại thịt tươi sống, ông Nguyễn Văn Quốc - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh - nêu lên thực trạng: "Hiện nay việc kiểm soát giết mổ gia súc chỉ dừng lại ở việc kiểm tra vệ sinh thú y, tức xem gia súc có biểu hiện bệnh tật hay không, thịt có tươi, mới trước khi đem bán hay không, chứ không thể kiểm tra VSATTP được vì Bình Định chưa có lò giết mổ tập trung. Việc giết mổ gia súc trên nền đất, cạnh nhà vệ sinh, nhà bếp vẫn là chuyện thường ngày ở các lò mổ". Nỗi lo sợ thịt có chứa kháng sinh cũng là điều có thật khi ông Quốc cho biết: "Nếu heo, bò mắc bệnh mà tiêm thuốc không khỏi thì người ta cho xẻ thịt ngay nên lượng kháng sinh trong thịt chưa đủ thời gian phân hủy hết".
Trong khi người SXKD chưa tuân thủ pháp luật, vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe NTD thì vẫn còn một bộ phận lớn NTD có xu hướng mua các loại TP chế biến sẵn, sính hàng ngoại, hàng giá rẻ và có nhận thức kém về VSATTP. Đây là những thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP.
* Người tiêu dùng phải tự cứu mình trước
Mối đe dọa về nguy cơ NĐTP đang treo lơ lửng trên đầu NTD, còn các cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP hầu như lực bất tòng tâm vì lực lượng quá mỏng.
Bà Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - nêu ý kiến: "Trong khi một số ngành nghề SXKD khác buộc người chủ phải có bằng cấp thì SXKD TP lại không. Vậy ngoài việc bắt buộc người SXKD TP phải tuân thủ 10 nguyên tắc vàng khi chế biến TP thì có nên bắt buộc họ cũng phải có bằng cấp hay không?".
Bức xúc trước tình trạng nhiều cơ sở SXKD cố tình lập lờ trong việc ghi nhãn hàng hóa để đánh lừa NTD, ông Lê Hiểu - Chi cục trưởng Chi cục đo lường chất lượng tỉnh - cho rằng nên đưa yếu tố ghi nhãn trở thành một tiêu chuẩn VSATTP và cơ quan quản lý thị trường phải là cơ quan đầu mối trong việc thanh, kiểm tra chất lượng hàng hóa TP. Trong khi các doanh nghiệp lớn, có uy tín chú trọng việc ghi nhãn đầy đủ để khẳng định thương hiệu của mình thì các doanh nghiệp nhỏ lại ghi nhãn một cách lập lờ, không rõ ràng về nơi sản xuất, thành phần, định lượng hàng hóa vì sợ hàng tiêu thụ không được.
Tại Hội thảo "Chất lượng VSATTP cho người TD", bà Trần Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn - sau khi đưa ra nhiều con số về tình trạng vi phạm VSATTP ở thành phố, đã nêu 10 kiến nghị cho vấn đề này, trong đó có những điểm đáng quan tâm như: có đủ biên chế để thành lập các đoàn kiểm tra về VSATTP; giao cho phường, xã quản lý các cơ sở sản xuất TP nhỏ, các quán ăn vỉa hè trên địa bàn phường mình; tổ chức giết mổ gia súc tập trung, có sự giám sát của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, các ý kiến về xây dựng một phường điểm về VSATTP đường phố, mở các quầy thịt sạch trong siêu thị, tuyên truyền về VSATTP trong dân chúng bằng các pa nô, áp phích trên đường phố… cũng được nhiều nhà quản lý, cơ sở SXKD đưa ra.
Và như thế, trong khi chờ Nhà nước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về VSATTP, xây dựng và thực hiện các chính sách, hệ thống quản lý chất lượng hỗ trợ hoạt động quản lý VSATTP hiệu quả; chờ người SXKD TP nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP thì NTD phải tự cứu mình trước. Nghĩa là trong khi chờ người bán hàng trở thành "người bán hàng có lương tâm" thì NTD phải là "NTD thông thái" trước đã. NTD thông thái là người phải tự nâng cao kiến thức tiêu dùng của mình về mọi mặt, trong đó có việc biết sử dụng quyền được thông tin và được lựa chọn hàng hóa. Ý thức người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và đấu tranh, tố giác các trường hợp vi phạm VSATTP cũng là cách giúp NTD tự bảo vệ mình trước "ma trận" thực phẩm.
. Minh Khương
|