Ánh nắng mặt trời giúp cho cơ thể tổng hợp vitamin D và hấp thụ can-xi. Khi cơ thể lộ ra nắng một số tế bào da sẽ tiết ra sắc tố sẫm kết hợp với lớp sừng của da bảo vệ cơ thể, ngăn cản tia cực tím không cho chúng xuyên sâu vào trong cơ thể. Nhưng nếu phơi nắng quá mức chịu đựng của cơ thể thì "hàng rào" đó sẽ bị phá vỡ, tia cực tím có thể làm tổn thương lớp tế bào dưới da. Khi đó tia cực tím và tia hồng ngoại làm nóng người và có thể gây bỏng nắng. Trong những ngày đầu da có cảm giác nóng, ngứa, khô và bị tróc lớp biểu bì bên ngoài. Nếu còn tiếp tục bị phơi nắng nữa thì những ngày sau da sẽ bị viêm, phù nề, nổi những mụn nhỏ và thậm chí nặng hơn sẽ bị loét. Ngoài những tổn thương trên những vùng da bị phơi nắng, còn có những biến chứng toàn thân-say nắng, ù tai, nhức đầu, buồn nôn, hoa mắt, nặng hơn có thể mất tri giác...
Vào mùa hè, nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên tới 35-370C hoặc có thể hơn thế. Những người lớn lao động ngoài trời (trên đất liền hoặc trên sông biển), những trẻ em chăn trâu trên đồng, hoặc chạy chơi nhiều ngoài trời... thường bị phơi nắng nhiều. Nếu không được uống nước đầy đủ hoặc không khí vừa nóng vừa ẩm, không thoáng, oi bức mồ hôi thoát và bốc hơi khó khăn... đến lúc cơ thể mệt, bị mất khả năng thích ứng với nhiệt độ thì cảm thấy người nóng ran (thân nhiệt có thể lên cao hơn 400C), khó thở, trống ngực đập mạnh, khát, chóng mặt, nhức đầu, các cơ co giật. Trong trường hợp này, nếu không được cứu chữa kịp thời thì người bệnh có thể bị sốc- mặt và môi tím tái, mạch nhanh và yếu, hôn mê và thậm chí dẫn tới tử vong.
Nếu bạn gặp ai say nắng như thế, cần nhanh chóng đặt bệnh nhân nằm ở chỗ mát, thoáng gió, cởi nới quần áo. Nếu bệnh nhân nóng thì cho đắp nước lạnh lên trán và cổ. Bệnh nhân ngưng thở cần làm hô hấp nhân tạo. Nếu tỉnh, cần cho uống nước trà đường, nước pha ít muối, vitamin C và vitamin nhóm B.
Tốt nhất vẫn là "phòng bệnh hơn chữa bệnh", khi làm việc trong những ngày nắng to trên đồng, trên công trường... hay ở trên mặt boong tàu, thuyền đi trên biển phải đội mũ, mặc quần áo thoáng mát, có thể căng bạt che nắng nếu có điều kiện. Không nên cho trẻ chạy nhảy nhiều ngoài trời nắng. Bảo đảm đủ nước uống và uống nước không hạn chế. Tốt nhất là các loại nước chè xanh, nước trà đường và nước hoa quả. Nếu cơ thể chưa thích nghi kịp mà phải lao động nặng nhọc ở khu vực nắng và nóng nhiều giờ, bạn nên dùng vitamin C (loại 0,50g) pha với nước đường glucose, uống cho đã khát trước giờ bắt tay vào lao động.
. Theo Sức khỏe & Đời sống
|