Số nhàn
16:13', 3/6/ 2004 (GMT+7)

Nhiều người sau khi lập gia đình được người khác khen "có số nhàn". Họ chẳng cần lo lắng gì nhiều trong gia đình bởi bên họ đã có người đảm đương hết công việc nhà...

Trong đám bạn bè cùng trang lứa, chị T. là người sướng nhất. Đứa bạn nào gặp, cũng bảo: "Mày nhàn quá. Chồng bao sân hết còn gì". Lấy chồng xong chị nghỉ làm, ở nhà, nuôi con. Anh L. chồng chị cáng đáng mọi việc: kiếm tiền giỏi và rất chịu khó. Trừ lúc đi làm, anh lo lắng mọi việc trong nhà, sắp đặt nhà cửa, chỉ bảo con học hành. Sống lâu ngày trong sự "bao cấp" của chồng nên chị T. - từ một người có nghề nghiệp đàng hoàng - đã quen tính ỷ lại, dựa vào chồng hoàn toàn. Con xin phép đi chơi với bạn, chị bảo: "Chờ ba về mà hỏi". Việc hiếu hỉ hai bên nội ngoại, chị cũng chờ ý kiến của ông xã... Tất cả việc lớn, việc bé trong nhà chị đều chờ chồng về giải quyết. Mẹ ruột đôi lần phàn nàn về tính ỷ lại của chị thì chị bào chữa: "Con ở nhà hoài, đâu biết việc gì, sợ làm không đúng ý ảnh".

Anh ơi, em không nấu cơm đâu

Hàng xóm trong khu tập thể nhà tôi, ai cũng tấm tắc: "Anh H. có số nhàn". Nhất là cánh đàn ông ở khu tập thể, cứ lấy gương đó mà nói vợ mình: "Đấy! Vợ người ta đảm thế. Còn vợ mình, đụng một tí thì...". Nói thì nói cho vui thế nhưng hàng xóm ai cũng thương chị Q., vợ anh. Chồng nhàn bao nhiêu thì vợ lại tất bật, sấp ngửa bấy nhiêu. Ai đời, hai vợ chồng sống với nhau được 3 mặt con, đứa lớn cũng gần có gia đình vậy mà anh chẳng bao giờ động tay vào công việc nhà, từ việc to đến việc nhỏ anh đều "ủy quyền" vợ làm thay. Người ta thường nói phận gái "núp bóng tùng quân", chứ chị Q. thì cả đời phải ra tay chèo chống cả gia đình, để ông chồng làm thân tầm gởi.

Bà C. cũng "may mắn" gặp phải ông chồng có "số nhàn". Bốn mươi năm sống chung chưa bao giờ bà nhờ ông được việc gì, dù là việc nhỏ nhất. Bà than: "Đi làm thì thôi, chứ về nhà là ông ấy chẳng bao giờ mó tay vào việc gì, con cái khóc cũng mặc. Thậm chí ông ấy còn bỏ nhà lên cơ quan ở cho yên thân, để mặc mẹ con tôi tự xoay xở. Vì các con tôi cố chịu đựng. Nhưng ông ấy đã nêu gương xấu cho mấy đứa con...". Quả đúng thật, bốn anh con trai của bà giống y hệt bố cái tính làm biếng. Xong việc là họ thường cùng bạn bè đi nhậu, xem đá banh, đánh bi da tận khuya mới về. Chỉ tội cho các nàng dâu phải nai lưng chịu trận mọi việc trong nhà. Thấy vậy, bà C. chỉ biết động viên các nàng dâu: "Hồi xưa mẹ cũng khổ thế các con ạ". Nhưng nàng dâu thứ của bà thì tuyên bố thẳng: "Anh ấy mà không sửa tính thì thế nào con cũng bỏ. Thời mẹ chịu được nhưng thời con thì khác".

Cùng chia sẻ mọi việc trong nhà với người bạn đời là một trong những bí quyết để giữ gìn hạnh phúc trong gia đình. Đừng nên ỷ lại quá vào một người để "nhất bên trọng nhất bên khinh" vì điều đó sẽ tạo ra sức ép căng thẳng cho người trong cuộc. Nguyên nhân đổ vỡ gia đình đều có thể bắt đầu từ đấy. Đó là còn chưa kể ảnh hưởng đến hành vi, tính cách của con cái sau này vì con cái thường học theo cách ứng xử của cha mẹ.

. Hoàng Lan

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chương trình vitamin A sẽ tiếp tục duy trì  (03/06/2004)
Cẩn thận, nắng mùa hè dễ say…   (02/06/2004)
Tạo sức đề kháng cho trẻ em   (01/06/2004)
Hãy là người tiêu dùng thông thái   (31/05/2004)
Mùa thi - Ăn uống như thế nào?   (31/05/2004)
Mười lời khuyên để cải thiện sức khỏe khi làm việc  (30/05/2004)
Bảo quản thức ăn bằng tủ lạnh  (28/05/2004)
Ngăn ngừa "bệnh văn phòng" cho phụ nữ   (27/05/2004)
Phải chăng già kén kẹn hom  (27/05/2004)
Phát hiện thêm một số tác hại của thuốc lá   (26/05/2004)
Ở một thôn có nhiều người bỏ thuốc lá   (25/05/2004)
Triển khai chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá: Còn lắm gian nan!   (25/05/2004)
Tắm vì sức khỏe   (24/05/2004)
Xem giờ để tập thể dục   (21/05/2004)
Các món dược thiện từ ốc   (21/05/2004)