Nỗi lo giá cả leo thang
17:0', 10/6/ 2004 (GMT+7)

Từ sau tết đến nay, giá cả các mặt hàng, nhất là lương thực thực phẩm đều tăng và lên thẳng một lèo chứ không giảm lại như những năm trước. Đây quả là gánh nặng đối với nhiều người...

* Khổ vì tăng giá

Bà Dung ở hẻm 2 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, than vãn: "Năm trước, cầm tờ 100.000 đồng thấy giá trị, bao nhiêu đó tôi đi chợ nhin nhín cũng được 4-5 ngày. Nhưng bây giờ, chỉ đi được 2-3 ngày thôi, mà đồ ăn thì chẳng bằng hồi xưa". Theo chân các bà, các cô ra chợ, quả thật giá cả các loại mặt hàng đều leo thang. Chị Hạnh bán thịt heo ở chợ Sân Bay, Phường Lý Thường Kiệt, Quy Nhơn cho biết: "Mấy năm trước, sau tết giá thịt lên nhưng sau đó hạ còn bây giờ thì lên thẳng một lèo. Trước tôi mua thịt sa cạ 20.000 đồng/kg, còn giờ thì 22.000 đồng". Dĩ nhiên, khi bán lại cho khách hàng chị Hạnh cũng phải tăng giá bán.

Không chỉ có riêng mặt hàng thịt mà các loại thực phẩm khác như cá, rau, củ... tất cả đều nhích hơn trước vài giá. Giá tăng chóng mặt nên hầu hết các bà nội trợ đều phải tính toán chi li khi đi chợ, cố gắng không để thâm hụt quỹ chi tiêu hàng ngày của gia đình. Chị Oanh, một tiểu thương ở chợ Khu Sáu cho biết: "Gia đình tôi năm người, đi chợ khoảng 20.000 đồng/ngày là đủ nhưng nay thì phải tăng lên 25-30.000 đồng. Để bớt thâm, tôi phải hạn chế cho con tiền ăn quà vặt. Tôi mua bán lặt vặt, ông xã làm thợ hồ nên chẳng dám chi quá tay".

Với cán bộ công chức lương tăng không thấm vào đâu so với vật giá leo thang. Hai chị Nga, Uyên làm việc trong khối Đảng tâm sự: "Tiền đi chợ hàng ngày của chúng tôi tăng gần gấp đôi so với trước. Trước đây chỉ chi khoảng 25.000 đồng tiền chợ mỗi ngày là có bữa ăn khá tươm tất, nhưng nay thì phải mất 30-40.000 đồng mà cũng chẳng hơn gì. Bọn tôi than với mấy người bán hàng, họ còn bảo: lương các cô tăng thì bọn tôi cũng tăng theo chứ". Trong khi đó, mức lương mới của chị Uyên tăng chưa đến 20.000 đồng so với mức lương cũ.

Đối với những người làm công chức nhà nước, hoặc có thu nhập thấp thì bù thêm 200-300.000 đồng/tháng để chi phí bữa ăn cho gia đình là cả một vấn đề. Lương không tăng hoặc tăng rất ít, chỉ có cách duy nhất là phải giảm các chi phí khác mới duy trì được mức các bữa ăn như trước. Ông Ngô Trí Long - Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Cục Quản lý giá Bộ Tài Chính nhận định: Theo kế hoạch, đến tháng 10-2004, Nhà nước sẽ thực hiện việc tăng lương đối với khu vực hành chính sự nghiệp. Theo đó, lượng tiền mặt trong lưu thông sẽ gia tăng, sức mua có khả năng thanh toán tăng nhất định sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường giá cả... Đây chính là những nhân tố chính tạo nên sức ép tăng giá tiêu dùng trong thời gian tới.

* Các dịch vụ khác: nơi tăng nơi không

Chị H., chủ quán phở tại đường Bùi Thị Xuân cho biết: "Hồi giờ tôi vẫn bán phỏ vói giá 5.000 đồng/tô và nay tôi vẫn bán vậy để giữ khách. Tất nhiên phải chịu ít lời hơn trước một chút". Cũng trong suy nghĩ đó, anh Hùng, quản lý Nhà hàng Quê Hương II nhận xét: "Một số loại thực phẩm đều nhích hơn trước vài giá, nhất là thịt gà song nhà hàng chúng tôi vẫn cố giữ ở mức giá cũ, chờ giá cả ổn định trở lại. Nhưng nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này thì chắc chắn chúng tôi phải tăng giá".

Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, các dịch vụ ăn uống giá vẫn cố kìm ở mức cũ, nhưng ở một số tiệm đã tăng giá hoặc bán khẩu phần ít lại. Phở Cao Lẩu ở đường Trần Phú đã tăng lên 7.000 đồng/tô thay cho giá 6.000 đồng/tô như trước. Trong khi đó, hầu hết các tiệm cơm bình dân tuy không tăng giá vì sợ mất khách nhưng đã giảm khẩu phần ăn xuống một ít. Một chủ quán phân trần: "Cái gì cũng lên từ gạo, đường, mắm muối đến thịt cá, rau cỏ... thì tôi phải bán lên chứ làm sao". Sinh viên là những người "chịu trận" trước tiên. Hoa, sinh viên ở trường Đại học Quy Nhơn, tâm sự: "Trước, ăn dĩa cơm 3.000 là no nhưng nay thì chỉ thấy lưng lửng bụng. Bọn em tính nấu ăn riêng nhưng chỉ tiền chợ đã mất đứt 10.000 đồng/ngày. Tính ra còn tốn hơn cơm bụi".

Người tiêu dùng đã rất dè dặt trong việc mua sắm hơn trước vì hạn chế chi tiêu. Chị Thư, chủ tiệm tạp hóa đường Tăng Bạt Hổ, Quy Nhơn, nói: "Giá các loại đường, sữa, dầu ăn đều tăng, sữa ngoại tăng đến 8.000 đồng/hộp. So với trước khi tăng giá thì lượng khách giảm hẳn một nửa". Các shop quần áo, dép... khách cũng thưa thớt hơn. Chị Hoa, nhân viên ở trạm rađa phân trần: "Thì cũng phải hạn chế đi cửa hàng, siêu thị hơn trước, chứ cứ đi thường xuyên như trước thì tiền nào chịu nổi".

Tuy nhiên, riêng tại Siêu thị Coop Mart Quy Nhơn, thời gian qua lượng khách đến mua hàng ở siêu thị vẫn ổn định, bình quân trên 2.000 lượt khách đến mua sắm hàng ngày, chủ yếu mua thực phẩm, hàng hóa mỹ phẩm, quần áo và trái cây. Các ngày lễ lượng khách có thể tăng lên gấp rưỡi. Các chương trình khuyến mãi của Siêu thị đã thu hút được khách hàng đến khá đông. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Siêu thị cho biết: "Các mặt hàng ở đây vẫn ổn định, duy chỉ có đường tăng 500 đồng/kg. Đó là do chúng tôi có được nguồn hàng ổn định từ trước"

So với các thành phố lớn khác thì ở Quy Nhơn, các loại dịch vụ khác như gửi xe, cắt tóc, giải khát... hầu như không tăng hoặc nếu có thì cũng tăng ít. Nhưng dù sao trong cơn lốc xoáy leo thang của giá cả, người dân ai cũng thấy "váng vất".

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trung tâm tán sỏi Miền Trung: Địa chỉ tin cậy với người sỏi thận  (10/06/2004)
Ghi nhận từ chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vùng sâu, vùng xa   (09/06/2004)
Ăn kiêng có thể gây suy yếu hệ miễn dịch   (08/06/2004)
Bảo vệ mắt khỏi tác hại của nắng hè  (08/06/2004)
Ăn chay   (07/06/2004)
Thuốc bổ từ con tằm   (07/06/2004)
Ô nhiễm không khí và bệnh tim  (06/06/2004)
Khói thuốc lá biến nước bọt thành tác nhân ung thư  (04/06/2004)
Đậu nành giảm nguy cơ bị ung thư tử cung  (04/06/2004)
Số nhàn   (03/06/2004)
Chương trình vitamin A sẽ tiếp tục duy trì  (03/06/2004)
Cẩn thận, nắng mùa hè dễ say…   (02/06/2004)
Tạo sức đề kháng cho trẻ em   (01/06/2004)
Hãy là người tiêu dùng thông thái   (31/05/2004)
Mùa thi - Ăn uống như thế nào?   (31/05/2004)