Người nhiễm HIV/AIDS sống trong tình thương
12:6', 17/6/ 2004 (GMT+7)

Trong những năm qua, chủ trương chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng ở Bình Định đã đạt được kết quả nhất định. Khoảng cách giữa người nhiễm và cộng đồng từng bước được rút ngắn. Trong đó, An Nhơn nổi lên là một trong những địa phương sớm tạo được niềm tin và tiếng nói chung giữa người nhiễm với cộng đồng.

* Từ liệu pháp chăm sóc, tư vấn…

Để giúp cộng đồng gần gũi hơn với người nhiễm HIV, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS huyện An Nhơn xác định: phải kết hợp đồng thời tuyên truyền, tư vấn và chăm sóc người nhiễm. Từ năm 1994 đến nay, An Nhơn đã có 10 xã, thị trấn trọng điểm được triển khai chương trình phòng chống HIV/AIDS. Với chương trình này, 100% cán bộ từ huyện, xã đến thôn bản được quán triệt chủ trương phòng chống AIDS. Hàng năm, mạng lưới chuyên trách thường xuyên được tập huấn giám sát, tư vấn và chăm sóc bệnh nhân. Trong khi đó, lớp cán bộ nòng cốt tại thôn và người nhà bệnh nhân cũng được trang bị kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà.

Các thông tin về phòng chống HIV/AIDS còn được chuyển tải bằng nhiều hình thức phong phú: qua đài truyền thanh, nói chuyện chuyên đề, qua pano, áp phích, vận động đóng góp kinh phí tổ chức chương trình giao lưu, văn nghệ, diễn đàn… Ngoài ra, mỗi xã đều có kế hoạch riêng thu hút nhiều người tham gia: phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền cho học sinh; phối hợp với Hội Phụ nữ lồng ghép vào sinh hoạt câu lạc bộ không sinh con thứ 3; phối hợp với các tổ chức xã hội tư vấn cho những đối tượng có nguy cơ cao tại các tụ điểm karaoke, đặc biệt chú ý đối tượng hành nghề mại dâm.

Song song với tuyên truyền, vận động, việc chăm sóc người nhiễm được thực hiện rất đều đặn. Anh Hồ Ngọc Quang - cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS huyện An Nhơn - cho biết: "Ngoài việc khám, cấp thuốc và điều trị bệnh miễn phí tại cơ sở y tế, các cán bộ chuyên trách còn trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại nhà".

* … đến niềm tin của cộng đồng

An Nhơn có 20 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 16 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, trong đó 15 người đã qua đời. Phần lớn những người nhiễm HIV đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn trong khi kinh phí chương trình ít (100.000 đồng/người dành cho việc thăm hỏi và 50.000 đồng/người lo mai táng). Ban chỉ đạo huyện đã vận động các cấp, ngành đóng trên địa bàn hỗ trợ. Trường hợp chị Đ.T.T.H (Bá Canh - Đập Đá) là một ví dụ. Chị H sống lang thang, hành nghề móc túi tại Quy Nhơn, được cơ quan chức năng đưa vào Trung tâm Giáo dục Lao động - xã hội tỉnh. Trước đó, chị quan hệ với một đối tượng ma túy và bị nhiễm HIV. Khi trở về địa phương, chị trở thành người cô độc, không nhà cửa và không người thân nhờ cậy. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo vận động hỗ trợ một tấm bạt, 10 kg gạo, vài trăm ngàn cho chị làm vốn sinh sống.

Hay hoàn cảnh gia đình ông L.Đ.B (Tịnh Hòa, Nhơn Hạnh). Ông làm nghề tài xế, gia đình rất khó khăn. Năm 1997, biết mình mắc bệnh ông về lại Nhơn Hạnh và mất cùng năm. Không lâu sau cái chết của ông, bà N.T.H (vợ ông) cũng nhiễm bệnh từ chồng. Mắc bệnh, ăn uống kham khổ bà H nhanh chóng xuống sức, không làm việc được. Từ đó đến nay, cô con gái lớn Hồng Vi (19 tuổi) phải nghỉ học làm ruộng, trong khi món tiền vay chăm sóc mẹ và nuôi hai em ăn học ngày càng lớn. Ông Lê Bá Hùng - Trưởng thôn Tịnh Hòa cho biết: "Khi mới biết bà H bị bệnh, người dân trong thôn cũng có hoang mang, nhưng được tuyên truyền về bệnh AIDS nên mọi người không xa lánh hay chê bai mà càng thông cảm hơn. Trong xóm ai có gì thì quyên góp, khi thì ít tiền, khi thì quả cam trái quýt. Nhiều người giúp công làm ruộng không lấy tiền". Không chỉ "đóng góp" về vật chất, những người nhiễm bệnh còn nhận được sự động viên rất lớn về tinh thần từ những người xung quanh như việc bà Võ Ngọc Giàu - một người hàng xóm của bà H hễ rảnh lúc nào là chạy sang để chăm sóc, chia sẻ tâm sự.

Có thể nói, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng tại An Nhơn không giới hạn trong phạm vi của một chương trình, một phong trào mà đã được nâng lên từ trong ý thức của cộng đồng, từ tình thương và lòng nhân đạo.

. Hiền Lê

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mía ngừa bệnh sỏi thận   (16/06/2004)
Bụi máy tính cũng rất nguy hiểm   (15/06/2004)
Những người không nên dùng điện thoại di động   (14/06/2004)
Để xương chắc khỏe: Tập thể dục tốt hơn bổ sung canxi   (13/06/2004)
Đề phòng bệnh viêm não trẻ em  (11/06/2004)
Dư cân và béo phì  (11/06/2004)
Nỗi lo giá cả leo thang  (10/06/2004)
Trung tâm tán sỏi Miền Trung: Địa chỉ tin cậy với người sỏi thận  (10/06/2004)
Ghi nhận từ chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vùng sâu, vùng xa   (09/06/2004)
Ăn kiêng có thể gây suy yếu hệ miễn dịch   (08/06/2004)
Bảo vệ mắt khỏi tác hại của nắng hè  (08/06/2004)
Ăn chay   (07/06/2004)
Thuốc bổ từ con tằm   (07/06/2004)
Ô nhiễm không khí và bệnh tim  (06/06/2004)
Khói thuốc lá biến nước bọt thành tác nhân ung thư  (04/06/2004)