Con gái lấy chồng phải theo chồng. Tuy nhiên có những "nam nhi chi chí" vì lý do nào đó đã phải chấp nhận sống cùng với gia đình vợ. Nhiều bi kịch đã xảy ra, nhưng không phải là tất cả.
Anh T. cay đắng tâm sự về cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình: Quê anh ở Phù Cát mà lại toàn "cát trắng" (Cát Trinh), ba má anh phải lăn lộn với cây mì nửa đời người để nuôi anh ăn học. Tốt nghiệp đại học, anh xin vào một cơ quan đóng tại TP Quy Nhơn với mức lương khiêm tốn và khi lấy M. - một cô gái "con một" có gia đình ở Quy Nhơn, anh đã vui vẻ chấp nhận lời đề nghị của bố mẹ vợ: Sống cùng! Những ngày "trăng mật" hạnh phúc rồi cũng nhanh chóng trôi qua khi M. - vốn tính đỏng đảnh vì được nuông chiều lại cậy thế gần cha mẹ nên "bắt nạt" chồng. Cô luôn nũng nịu đòi T. phải quan tâm chiều chuộng và mỗi lần giận dỗi lại khóc lóc ầm ĩ. Bà mẹ M. vốn tính hay để ý, lại bênh vực con gái, trước những việc như vậy đã không góp ý cho con mà còn "lên lớp" T. về cách chăm sóc vợ. Rồi bà bóng gió xa xôi cho rằng T. là kẻ vô ơn, không biết điều... Cách đối xử của gia đình vợ đã đẩy T. vào trạng thái căng thẳng khiến anh buồn chán, mặc cảm về thân phận ở nhờ. Từ đó, quan hệ vợ chồng anh trở nên tẻ nhạt, gượng ép. Anh bắt đầu đi sớm về khuya, la cà bù khú với bạn bè khiến M. đâm ra nghi ngờ chồng có bồ nên càng dằn vặt, oán hờn. Trong lúc giận quá mất khôn, cô đã chửi chồng là kẻ ăn nhờ ở đậu với ngầm ý "nếu anh còn đối xử tệ bạc với tôi thì anh sẽ không có chốn nương thân". Lòng tự trọng bị tổn thương, T. đã cương quyết chia tay dù M. đã tỏ ra ăn năn hối lỗi.
Ở trường hợp của H. có khác. Dù phải sống chung với gia đình nhà vợ nhưng các thành viên trong đại gia đình này đều chân tình và thực lòng yêu quý con rể. Cuộc sống của vợ chồng anh cũng rất êm ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, H. lại có nỗi khổ riêng. Mẹ vợ anh có đến 5 người con gái mà vợ anh lại là đứa con duy nhất được lên xe hoa. Mặc dù bà đã dành hẳn cho vợ chồng anh một căn phòng riêng rộng rãi, tiện nghi nhưng sống trong một gia đình toàn con gái (ba vợ mất sớm) anh cứ cảm thấy gò bó, thiếu thoải mái thế nào ấy. Bất tiện nhất là ở lĩnh vực sinh hoạt cá nhân, anh không còn được "vô tư" mặc quần cộc, áo lót trong nhà. Cả nhà có một phòng vệ sinh "kiêm" phòng tắm, vậy mà mấy cô em vợ thì cứ đi tắm vô tư, nhiều khi còn ngồi lỳ trong ấy để giặt giũ. Thấy vậy, anh cũng đành tỏ ra vui vẻ: "Các em cứ tự nhiên đi, anh là đàn ông tắm lúc nào cũng được!" Tuy nhiên, có lúc anh đã phải méo mặt khi bị "tào tháo đuổi".
Chuyện ở rể của anh K.H cũng là một "vấn đề". Ba mẹ vợ của anh là nhà giáo nên sống khá mô phạm. Ông bà lại rất tự tin về cách sống của mình. Do đó, họ can thiệp, chỉ giáo cho vợ chồng anh từ chuyện ăn uống, đi đứng đến việc dạy dỗ con cái. Thậm chí vợ chồng anh thực hiện biện pháp tránh trai họ cũng tìm hiểu, góp ý. Được ba mẹ vợ quan tâm mà K.H lại chẳng vui vì chưa bao giờ anh được làm theo ý mình. Hễ có điều gì không phải, anh nói lại là họ lại cho rằng khinh thường họ mà cứ nhất nhất nghe theo thì vô hình chung ở trong ngôi nhà này ba mẹ vợ anh là chủ và họ có quyền ra quyết định đối với tất cả mọi việc.
Đa số đàn ông đều không có hứng thú với việc ở rể vì sĩ diện. Ở rể bao giờ cũng chịu điều tiếng của thiên hạ về sự bất tài nên phải núp bóng vợ, là "chó chui gầm chạn", sống gò bó mất cả tự do. Do đó, một số người chỉ coi chuyện ở nhờ cha mẹ vợ như giải pháp tình thế trong lúc tiền bạc chưa dư giả để tậu mái nhà riêng cho chính mình. Tuy nhiên, đã có người đã sống "ở rể" khá thuận buồm xuôi gió. Anh N. ở phường Nguyễn Văn Cừ tâm sự: "Tôi ở rể đã mười mấy năm nay nhưng tuyệt nhiên không có vấn đề gì. Bố mẹ vợ tôi luôn coi tôi như con cái trong nhà nên tôi có điều gì sai là họ thẳng thắn phê phán, chỉ bảo. Vợ chồng có chuyện gì mâu thuẫn chưa giải quyết được là họ lại làm "cầu nối" đưa chúng tôi trở về "quỹ đạo" hạnh phúc. Do đó, từ đáy lòng tôi rất biết ơn họ. Họ đã giúp tôi ổn định cuộc sống, yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp". Rồi anh kể lại: Hồi mới lấy vợ, chúng tôi gặp khăn nhiều khó khăn. Ba mẹ vợ tôi động viên về ở chung để ông bà đỡ đần bớt các khoản chi tiêu và giúp việc chăm sóc con cái nhưng tôi cứ đắn đo mãi vì lời khuyên của bạn"đừng dại dột chui đầu vào rọ". Vậy mà, cho đến bây giờ, tôi vẫn rất hài lòng vì quyết định sáng suốt của mình.
Như vậy, ở rể, nếu không vì mục đích vụ lợi, ỷ lại thì thật ra không có gì đáng trách. Và để việc ở rể không ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc lứa đôi thì trước hết, các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
|