Bệnh mua sắm
15:50', 28/6/ 2004 (GMT+7)

Nhiều ông chồng thường than thở là các bà vợ mắc "bệnh"… mua sắm. Các bà đi chợ, cửa hàng, siêu thị và khuân về nhà đủ thứ. Những món đồ này có khi được dùng đến, có khi bị bỏ quên, để rồi một thời gian sau trở nên cũ, lỗi thời, và không được ngó ngàng đến.

* "Bệnh" mua sắm

Thường đa số những người mắc "bệnh" mua sắm là phụ nữ. Biểu hiện của "bệnh" là thấy cái gì hay hay đều muốn mua, mua nhiều thứ, bất kể có cần thiết hay không, miễn sao trong túi còn tiền. Chị Hoàng Thị T. (phường Đống Đa, Quy Nhơn) tiết lộ: "Tôi hay đi mua sắm quần áo, giày dép và các vật dụng gia đình khác ở một số cửa hàng "ruột". Có khi dù không có ý định mua sắm nhưng đi ngang qua các tiệm đó, những lời chào mời và các hình ảnh quảng cáo hấp dẫn như một thứ ma lực lôi tôi vào, và thế nào tôi cũng mua một món gì đó".

Nhằm giúp mọi người chữa trị hội chứng mua sắm vô độ bằng liệu pháp điều trị tâm lý, vào năm 1976 ở Mỹ đã thành lập Hội Những con nợ vô danh (DA). DA giúp phục hồi tâm lý dựa theo bốn quy định: thường xuyên tham gia các buổi họp của hội, từng thành viên phải thuật lại chi tiết thú vui mua sắm của mình; cập nhật cuốn sổ chi tiêu hàng ngày, kể cả việc hoàn trả các món nợ; thường xuyên được tư vấn qua điện thoại; tham gia thực hành việc mua sắm dưới sự giám sát của nhiều chuyên viên tâm lý, sau đó sẽ được phân tích các yếu tố tâm lý cần phải khắc phục để loại bỏ dần "bệnh".

Một số bạn trẻ mới đi làm và có được chút ít tiền lương cũng thường bị mắc "bệnh" mua sắm. Kim H. - làm việc cho chi nhánh một công ty ở TP Hồ Chí Minh đóng tại Quy Nhơn - kể: cô có gần 20 đôi giày dép các loại, trong đó có những đôi cô chưa hề mang bao giờ, vì "khi còn ở tiệm thì nhìn nó đẹp nhưng về nhà thì thấy nó cũng thường thường, vậy là để đó". Kinh nghiệm của những bà nội trợ lớn tuổi cho thấy những khoản tiền mua sắm ngoài kế hoạch thường dành cho những đồ dùng xa xỉ như quần áo, giày dép, mỹ phẩm... và thường là ý thích nhất thời. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, có thể là sau một vài ngày mà cũng có khi chỉ cần từ shop đi về nhà là người mua lập tức thấy mình đã sai lầm khi mua món hàng đó.

Một thói quen của người tiêu dùng là hễ thấy hàng rẻ, hàng giảm giá là mua lấy mua để để dùng dần, đến nỗi có khi dùng không hết nên gây ra lãng phí. Chị Hồng M. (phường Lê Lợi, Quy Nhơn) kể: "Tôi cũng biết nếu mình chi tiêu không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng đến ngân sách gia đình nhưng mỗi khi người bán hàng nói rằng món đó không chê vào đâu được, bỏ qua rất uổng, sẽ không có cơ hội mua một món hàng tốt và rẻ như thế nữa đâu… là tôi lại mềm lòng". Mặt khác, có khi là hàng giá rẻ thật nhưng cũng có khi người bán tăng giá lên 40% rồi treo bảng "đại hạ giá 30%!" và người mua cứ hí hửng là mình được lợi mà không biết rằng đang hớ, thậm chí còn bị thiệt hại nặng vì ham rẻ mua nhiều.

* Đừng mua để mà mua

Lời khuyên của những người có kinh nghiệm là trước khi đi mua sắm, hãy dành thời gian để suy nghĩ thật kỹ về những gì cần thiết phải mua. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong khi mua sắm và hạn chế những "ý tưởng" nhất thời. Hãy mua cái gì thực sự cần vì các loại hàng hóa lúc nào cũng có sẵn ngoài chợ, siêu thị nên không cần phải dự trữ phòng hờ. Tốt nhất là nên trữ túi tiền của mình cho đầy để lúc nào cần là có thể mua được. Sau mỗi lần mua sắm, việc liệt kê những món mua được kèm theo giá tiền sẽ giúp bạn ý thức được việc tiêu tiền.

Mỗi khi đi mua sắm, bạn chỉ nên mang theo một khoản tiền nhất định nào đó và chỉ nên mua hạn chế trong số tiền mang theo mà thôi. Mặt khác, bạn nên gạt bỏ ý nghĩ rằng ở nhà vẫn còn tiền, hay sẽ lấy khoản tiền ngoài giờ sắp lãnh để bù vào số thâm hụt này.

Một mẹo nhỏ nữa là khi đi mua sắm, nên hạn chế tối đa cho trẻ đi cùng vì trẻ hay có thói quen vòi vĩnh và từ đó sẽ nảy sinh những khoản chi tiêu ngoài kế hoạch mà lại không thật sự cần thiết.

Một quỹ riêng cho các khoản tiêu vặt là việc cần thiết nếu bạn cảm thấy mình đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính vì mua sắm vô độ. Dù bạn đã có gia đình hay còn độc thân thì cũng hãy nghĩ đến chuyện đều đặn để riêng ra một khoản tiền tiết kiệm cố định vì chúng sẽ rất có ích cho bạn khi túng thiếu.

. Nguyễn Bích

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những lợi ích của việc ăn cá  (28/06/2004)
Thuốc mới trị bệnh cảm cúm   (27/06/2004)
Chữa bệnh bằng nước  (27/06/2004)
Để có sức khỏe và trí nhớ tốt trong mùa thi   (24/06/2004)
Ăn rau xanh và trái cây giúp ngăn ngừa đột quỵ   (24/06/2004)
Sáu biện pháp khẩn cấp khống chế dịch sốt xuất huyết  (23/06/2004)
Khi con rể ở nhờ cha mẹ vợ   (23/06/2004)
Hút thuốc lá làm giảm 10 năm tuổi thọ   (22/06/2004)
Những bệnh về da cần chú ý vào mùa hè   (21/06/2004)
Một số lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm  (20/06/2004)
Phụ nữ làm gì để có làn da đẹp?  (18/06/2004)
Người nhiễm HIV/AIDS sống trong tình thương   (17/06/2004)
Mía ngừa bệnh sỏi thận   (16/06/2004)
Bụi máy tính cũng rất nguy hiểm   (15/06/2004)
Những người không nên dùng điện thoại di động   (14/06/2004)